Đánh giá chung
Việc EC cảnh báo và công tác khắc phục “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, trong thời gian qua, đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, các cấp lãnh đạo, bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng như của toàn xã hội, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp thủy sản, là điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực để xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, hiện đại, đi sâu vào hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, trong thời gian rất ngắn, chỉ hơn 8 tháng (từ khi EC cảnh báo Thẻ vàng 23/10/2017 và Đoàn Thanh tra EC vào kiểm tra tại Việt Nam tháng 5/2018 đến nay), với sự nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ nêu trên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng trong việc chống khai thác IUU như: đã cơ bản nội luật hóa các qui định của quốc tế, khu vực trong Luật Thuỷ sản năm 2017; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU; tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt; công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có bước tiến bộ; công tác hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực.
Trong đợt kiểm tra từ 16-24/5/2018 vừa qua, Đoàn Thanh tra EC đã có sự đánh giá và nhìn nhận tích cực, nhất là thấy được quyết tâm và nỗ lực hành động của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống khai thác IUU. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc phát huy mối quan hệ hợp tác phối hợp giữa Bộ với Ủy ban Châu Âu trong xây dựng, phát triển nghề cá nói chung và thực hiện các quy định, khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trong thời gian tới.
Qua quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, nổi lên một số tồn tại, hạn chế như sau: chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt từ Trung ương (Chính phủ, bộ, ngành Trung ương) đến địa phương (tỉnh, thành phố ven biển) để đảm bảo thực thi hiệu quả chống khai thác IUU và quy định của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU trên thực tiễn.
Chưa bố trí đủ nguồn lực về tổ chức, nhân lực và vật lực trong toàn hệ thống quản lý nhà nước, thực thi pháp luật thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cơ sở nhằm đảm bảo việc thực thi hiệu quả các quy định quốc tế về chống khai thác IUU.
Công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc kiểm soát tàu cá Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả; Chưa có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời,hiệu quả tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài nên tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.
Chưa thể hiện được trách nhiệm đầy đủ của quốc gia treo cờ (quản lý tàu cá) và trách nhiệm của quốc gia ven biển (bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản), cụ thể: hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được qui định của Luật Thuỷ sản về lắp thiết bị giám sát hành trình; chưa kiểm soát chặt chẽ được tàu thuyền ra vào cảng, hoạt động của tàu thuyền trên biển và công tác xác nhận loài, sản lượng cập bến.
Công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định của Châu Âu về kiểm soát truy xuất nguồn gốc sản phẩm về khai thác bất hợp pháp xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Hiện tại, Việt Nam chưa kiểm soát được sản phẩm khai thác thủy sản khai báo trên giấy tờ so với thực tế, do vậy cần tăng cường công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, trên biển và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá một cách hệ thống, chính xác để đảm bảo sản phẩm thủy sảnxuất khẩu sang thị trường Châu Âu phải được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận.
Giải pháp
Đến tháng 01/2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; trên cơ sở kiểm tra đánh giá của Đoàn, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét vấn đề khắc phục “Thẻ vàng” đối với Việt Nam. Vì vậy, từ nay đến 31/12/2018, cần phải tập trung thực hiện, làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu.
Tập trung hoàn thiện để ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và 09 Thông tư để bảo đảm có hiệu lực đồng bộ với Luật Thủy sản từ 01/01/2019.
Thiết lập cơ chế chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương về phòng chống khai thác IUU và triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Triển khai thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm đảm bảo ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Triển khai Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II, thực hiện ngay trong Quý IV/2018 để giám sát hoạt động của tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên.
Tăng cường công tác kiểm soát tàu cá xuất bến và kiểm soát tàu cá tại cảng; kiểm soát sản lượng thủy sản cập bến theo quy định.Thực hiện nghiêm công tác ghi nhật kí khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật.
Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/01/2018 của Bộ để chấn chỉnh công tác xác nhận chứng nhận sản phẩm thuỷ sản từ khai thác.
Kiểm soát nguyên liệu thủy sản NK
Triển khai nghiêm túc kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/01/2018.
Về các vấn đề này, hiện VASEP cũng đã gửi một số kiến nghị và đề xuất đến Bộ NN&PTNT. Bộ NN&PTNT, TCTS và Cơ quan địa phương hỗ trợ và phối hợp cùng VASEP và các DN cá ngừ thực hiện Chương trình Giám sát an toàn cá heo của EII tại cảng cá. Bộ cũng cần chỉ đạo sửa đổi/ bổ sung 1 số bất cập trong TT 02/2018/TT-BNNPTNT (CV 102/2018/VASEP) liên quan đến Hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu Thủy sản khai thác như: sửa đổi công văn 1928 không quy định nộp giấy phép KT khi xin xác nhận nguyên liệu.
TCTS kiểm tra, rà soát và có văn bản hướng dẫn BQL cảng cá ghi đúng số lượng theo báo cáo của chủ tàu/ chủ nậu hoặc cử cán bộ giám sát trực tiếp khi DN mua hàng; không thực hiện những điều không có quy định pháp luật hiện hành, rà soát & bãi bỏ hoặc điều chỉnh phù hợp quy định thủ tục này cho việc xác nhận S/C.
Cải cách-sửa đổi TT26 theo NQ19/2017 của Chính phủ: Không yêu cầu DN phải nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch thủy sản; Có quy định một mục riêng cho hàng mẫu trong đó không yêu cầu H/C và không yêu cầu kiểm hàng; Không yêu cầu dán nhãn trên thùng đối với hàng xá, NK bằng carton; Quản lý phân luồng DN theo nguyên tắc quản lý rủi ro (phân luồng xanh, vàng, đỏ) để làm căn cứ miễn-giảm kiểm tra; Bổ sung thêm điều khoản cho phép “KHAI ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG”; Bổ sung nội dung quy định/hướng dẫn cho vấn đề chuyển tải & tạm nhập tái xuất; Cục Thú y xây dựng Sổ tay Hướng dẫn (Handbook) về Thủ tục NK thủy sản để chế biến xuất khẩu sang thị trường EU.
Ngoài ra, Bộ cần xem xét công bố: «nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá”. Và có ý kiến với Bộ Công Thương để thúc đẩy và sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch dành cho xuất khẩu cá ngừ vào EU.
(Trích bài trình bày của ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, TCTS và bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO tại Hội Thảo “Chống khai thác IUU ở Việt Nam và sự chung tay của cộng đồng Doanh nghiệp” trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2018)