Chiều ngày 15/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội thảo quán triệt nhiệm vụ thực hiện đề án “Khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác, HTX; xây dựng thí điểm mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL” tại TP Cần Thơ
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá một cách khách quan, trung thực thực trạng hoạt động của mô hình HTX, tổ hợp tác tại ĐBSCL, trong đó tập trung vào hoạt động của các HTX nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu, rà soát lại các cơ chế, chính sách, làm rõ những nguyên nhân hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho những đề xuất thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế hợp tác trong tương lai.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phát triển kinh tế tập thể với nồng cốt là HTX có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong Cương lĩnh Đại hội XI của Đảng. Riêng ĐBSCL, có khu vực kinh tế cá thể phát triển mạnh, đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh về lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mô hình kinh tế tập thể trong tương lai.
Theo Tổng Cục Thống kê (2012), 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL có hơn 1.314 HTX, khoảng 45.000 tổ hợp tác trong nông nghiệp, thủy sản, 3.280 trang trại, chiếm 14% tổng số trang tại chăn nuôi của cả nước. Nhiều địa phương đã có những mô hình kinh tế tập thể điển hình. Nhìn chung, kinh tế tập thể đã đóng góp đáng kể trong việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định an sinh xã hội tại địa phương.
Tuy vậy, quá trình phát triển kinh tế tập thể trong vùng còn nhiều hạn chế, yếu kém mà nguyên nhân là do các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức và còn duy ý chí trong việc trong việc củng cố và phát triển kinh tế tập thể, mang nặng tính bao cấp trong hoàn cảnh tài chính hạn hẹp, nông dân chưa thật sự đoàn kết, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và trình độ kỹ thuật lạc hậu….
Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của HTX, đổi mới tư duy về chính sách, cách tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình HTX, tổ hợp tác điển hình, trong đó ưu tiên xây dựng 3 mô hình HTX trong lĩnh vực lúa gạo, nuôi cá tra và cây ăn trái nhằm giúp nông dân đoàn kết, hợp tác với nhau cùng phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.