Ban đêm đi đóng chấn, một tấm chấn cắm 3 cây sào, 2 cây cắm ở miệng chấn và 1 cây cắm ở yếm chấn (rốn chấn). Tấm chấn cũng giống như cái đó nhưng đan bằng sợi cước. Còn đèn chấn là cây đèn dầu bình thường nhưng được “độ thêm” đặt lên trên tấm gỗ nhỏ, lấy chai nhựa cắt bỏ phần đít chai đậy đèn lại, phía trên lắp thêm tấm chắn cho đèn khỏi tắt. Thấy ánh sáng từ ngọn đèn dầu, cá, tôm đất, lịch huyết, cua ghẹ…“bắt mắt” bơi đến miệng chấn rồi tiến vào chỗ treo đèn dầu lọt vào rốn chấn...
MƯU SINH VỚI NGHỀ
Tôi được anh Nguyễn Văn Đông (40 tuổi) ở xóm Gành Hàu (xã An Cư) cho đi theo đóng chấn. Chiều, anh Đông rót dầu vào đèn chấn rồi “xỏ xâu” (luồng sợi dây vào các đèn chấn lại) cầm một tay, tay kia cầm cái dầm, nhét trong túi quần bao cước xếp làm tư ra cạnh mé đầm ngồi trên chiếc sõng câu (một loại xuồng nhỏ) bơi thẳng ra giữa đầm.
Đến nơi, anh Đông hì hục đóng chấn rồi treo đèn, rút hai dây bên hai viền chấn cho thẳng, quơ rong rêu bám chỗ rốn chấn. Cứ thế, anh Đông lần lượt treo đèn trên 10 tấm chấn. Anh cho biết, làm nghề này từ hồi mới 15 tuổi. Lúc ấy theo ba anh, tuổi nhỏ nên chỉ phụ bưng đèn, lượm tôm, cá. Trong những lần đi đóng chấn, ba anh chỉ nói sơ qua, anh để ý học nghề. Năm 22 tuổi, anh cưới vợ rồi cất nhà ra riêng, lúc đó lo hũ gạo gia đình nên đêm nào anh cũng đi đóng chấn. “Canh sao đóng xong 10 tấm chấn, trời nhá nhem tối trên đầm cũng đỏ đèn chấn, chứ đóng sớm quá thì tốn dầu”, anh Đông nói.
Anh Đông còn cho hay nghề này, buổi sáng “ngồi chơi xơi nước” ở quán cà phê, chiều đến thì mới lục đục lo dầu đèn. Có hôm nửa buổi sáng đi dạt chấn (chấn ngâm dưới nước lâu ngày rong giẻ bám đầy nên đêm phơi trên mặt nước cho khô rong rồi giũ sạch) để chiều đi đóng chấn.
Đi đóng chấn xong, sẩm tối anh về nhà nghỉ ngơi rồi nửa đêm bơi sõng ra đầm thăm chấn, mờ sáng thăm lần nữa để bắt tôm cá. Nghề này hiện nay gặp khó, có đêm 10 miệng chấn của anh bắt được 1kg tôm đất bán với giá 200.000 đồng, có đêm 0,5kg cũng ráng mà đi. Đó là chưa kể có đêm đóng chấn sáng ra chỉ bắt 3 lạng tôm “lỡ chợ lỡ quán” nên hấp cho mấy đứa con ăn.
Anh Đông cho biết, mùa này (từ tháng 3 đến tháng 9) đi đóng chấn chủ yếu bắt con tôm đất - đặc sản trong đầm. Tôm đất sống trong môi trường tự nhiên đầm Ô Loan xếp vào loại thượng hạng. Không cầu kỳ chế biến mà chỉ cần hấp, nướng, tôm đất có vị ngọt thanh tao, ăn một lần thèm dài dài. Còn mùa nước “ói” (từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa mưa lũ, nước từ nhánh sông Kỳ Lộ đổ về làm cho nước trong đầm dâng cao, đục ngầu, người dân quanh vùng gọi là mùa nước “ói”), lịch huyết sống trong đầm nước lợ bị sốc nước ngọt, trồi đầu lên. Lúc này người dân sống ven đầm bơi sõng đóng chấn bắt lịch huyết. Lịch huyết là món ăn tuyệt hảo, giá bán 300.000 đồng/kg nhưng hiếm có. Trước đây, một đêm bắt 2 đến 3kg, gần đây có lúc đóng chấn từ tối đến sáng không có con lịch huyết nào lọt vào miệng chấn.
Sáng, từ Gành Hàu, tôi hỏi thăm tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Biết (78 tuổi) ở Gành Mũi (xã An Cư). Ông Biết vừa đi thăm chấn về, ngồi uống nước trà trước hàng ba, hỏi về nghề đóng chấn, ông mau miệng nói: “Tôi có thâm niên trên 50 năm chong đèn dầu đóng chấn trên đầm. Nghề đóng chấn này làm ăn từ xưa đến giờ cũng không lỗi thời, lại không có “tội” với đầm. Cũng giống như thả lưới, quăng chài không bao giờ có tác hại tới môi trường”.
Ông Biết có 6 người con (4 trai, 2 gái), hiện nay đều lập gia đình. Cũng từ nghề truyền thống còn lưu giữ này, đêm nào ông cũng mưu sinh trên đầm, nuôi con trưởng thành. “Từ nghề của tôi, khi con cưới vợ lấy chồng, đứa nào cũng lo cái “nồi riêng” của nó bằng nghề đóng chấn. Với tôi, tuổi già vẫn bám nghề ban đêm chong đèn dầu đóng chấn”, ông Biết nói.
Đang nói chuyện, ông ngó lơ ra đầm rồi nói giọng buồn buồn: Thời gian qua, người dân ven đầm ai cũng than đầm đói vì hải sản cạn kiệt. Một phần vì cửa biển An Hải - nơi đầm thông ra với biển không mở nên nước trong đầm ô nhiễm, một phần do con người đánh bắt hủy diệt nên tôm, cá thưa dần. “Lớp trẻ bây giờ đua đòi, thấy người ta sắm lờ ruột heo (dây bóng Thái Lan), xung điện cũng sắm theo đánh bắt, đâu có nghĩ hậu quả. Kiểu đánh bắt hủy diệt này không những khiến hải sản cạn kiệt mà lớp con cháu sau này sẽ “đói” với các loại hải sản quý hiếm trong đầm ”, ông Biết than phiền.
Đóng chấn bắt lịch huyết, một hải sản quý bán ven đầm Ô Loan - Ảnh: M.H.NAM
MÃI “THỨC” CÙNG ĐÈN DẦU ĐÓNG CHẤN
Nói về nghề truyền thống treo đèn đóng chấn, ông Bùi Long (76 tuổi), một người chuyên làm nghề đóng chấn ở xã An Hiệp, giãi bày: “Đi đóng chấn bắt cua, cá, tôm nhưng vẫn giữ lại “tài sản” dưới đầm, chỉ bắt lứa cua, cá to. Còn thả lờ ruột heo, châm xung điện thì hủy diệt từ hải sản lớn đến hải sản “nhi đồng”.
Mưu sinh trên đầm “thức” cùng ngọn đèn dầu trên 50 năm quen rồi, bây giờ tuổi già, ông Long có thăm bà con ở đâu xa cũng không quá 3 ngày là khăn gói về lại với đầm chong đèn dầu đóng chấn. Ông mong sao đừng có ai đi châm điện, thả lờ ruột heo nữa vì loại này “hại” lắm!
Chứng kiến cách đánh bắt hủy diệt, ông Nguyễn Kiên ở xã An Hiệp, chua xót: Một số người dân ở đây “tay trong tay ngoài”, ban ngày nuôi tôm, ban đêm đi châm cá. Trước đây, nhiều người châm cá bằng hai cái vợt nối từ biến thế ra đường kính vây bắt chỉ nửa mét. Sau đó các thợ điện cơ đã “sáng chế”: Quấn một loại biến thế cực mạnh với “tầm sát thương” tôm, cá lớn gấp ba, bốn lần kiểu biến thế trước đây. Cách đây 5 năm, đội quản lý đầm tịch thu các phương tiện đánh bắt hủy diệt, mỗi lần tiêu hủy chở bằng xe tải gần cả tấn xung điện, lờ ruột heo...
Ông Kiên còn than thở, nghề đánh bắt hủy diệt này một đêm “ẵm” được gần cả triệu bạc nhưng rồi cũng trả giá vì môi trường cạn kiệt dần các loại đặc sản… Ông Hồ Văn Hải, một người dân ở An Hòa, kể: Hồi trước, mùa nước “ói” ra đầm cá, tôm lũ lượt bơi từng đàn, lấy rổ xúc cũng được nhiều cá. Còn năm qua có khách ở xa đến thăm chơi, tối ông mang sáu tấm lưới thả xuống đầm Ô Loan, sáng ra gỡ chỉ được ít cá bống, vài con cá cháo... “nấu nồi canh chua không ngọt”!
Bám đầm đóng chấn gần 40 năm qua, ông Trần Văn Vịnh ở xã An Ninh Đông, cho biết: Bây giờ cũng có nhiều người đóng chấn nhưng nghề này chủ yếu sống qua ngày, chứ không phải làm giàu từ đầm như trước. Mới đây họp thôn, tôi phát biểu ý kiến, mong sao đừng có ai đánh bắt hủy diệt, cứ thắp sáng ngọn đèn dầu đánh bắt truyền thống để đầm no trở lại. Năm nay, nhiều người đóng chấn trong đầm thấy phấn khởi vì tôm đất xuất hiện, dần dà hồi sinh.
* * *
Chiều đi quanh đầm, xóm nhà của người dân 5 xã sống ven đầm đều ngửa mặt ra đầm, đàn ông ngồi uống nước trà trước hàng ba, bên góc sân để sẵn xâu đèn chấn chuẩn bị ra đầm mưu sinh. Buổi tối đi quanh đầm hoặc đứng trên cầu Long Phú (bắc qua đầm Ô Loan), nhiều người ở xa đến đều ngạc nhiên vì “lạ mắt” với đèn dầu. Nhìn ra phía xa, ngọn đèn dầu phát ra ánh sáng tờ mờ, cạnh mé đầm đèn dầu thắp sáng đỏ rực, còn giữa đầm thì đèn dầu soi màu đỏ hồng xuống mặt nước… Bao đời người dân quanh đầm vẫn lưu giữ “dấu xưa” với nghề đèn dầu đóng chấn.
Ông Phạm Đăng Tĩnh, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: Hội Nông dân huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp tuyên truyền với người dân sống ven đầm Ô Loan không nên đánh bắt hủy diệt mà lưu giữ nghề truyền thống để bảo vệ nguồn lợi hải sản trong đầm. Bên cạnh đó, hội cũng vận động người dân giữ sạch môi trường để nước trong đầm không bị ô nhiễm.