Tiềm năng “ngủ quên”
Các tỉnh ĐBSCL có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong phát triển thủy sản, đóng góp quan trọng vào xuất khẩu thủy sản chung của cả nước. Sản lượng nuôi trồng, khai thác toàn vùng tăng hàng năm, trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm 65% tổng sản lượng nuôi của cả nước. Năm 2011, ngành thủy sản ĐBSCL đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp 24,44%, và đóng góp 6,34% cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong giai đoạn từ 2001 - 2011, ngành thủy sản ĐBSCL còn giải quyết việc làm trung bình cho trên 150.000 lao động/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong khu vực.
Mỗi địa phương lại có thế mạnh riêng, như: các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở Bến Tre, Tiền Giang; tôm ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu; cá tra ở An Giang, Đồng Tháp hay các nghề khai thác hải sản tại Cà Mau, Kiên Giang…
Tuy nhiên, việc phát triển thủy sản khu vực ĐBSCL vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững; cơ khí tàu thuyền, hậu cần dịch vụ còn nhiều yếu kém; nuôi trồng thủy sản còn tiềm ẩn rủi ro, chưa kiểm soát tốt vấn đề về thức ăn, con giống, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Một trong các nguyên nhân được cho là do thiếu tính liên kết, đầu tư dàn trải, manh mún và thiếu sự hỗ trợ phối hợp giữa các địa phương trong vùng. Ngoài ra, trong bức tranh tổng thể về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung và việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giữ vị trí rất khiêm tốn.
10 năm trở lại đây, tỷ trọng FDI trong lĩnh vực thủy sản có mức tăng trưởng âm, giảm từ 8% năm 2001, đến năm 2007 còn 5,2% và hơn 1% trong năm 2011. Riêng đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thủy sản, đến nay mới chỉ có khoảng 70 dự án FDI với hơn 310 triệu USD vốn đăng ký tập trung vào các ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản, thức ăn và giống thủy sản. Các dự án có quy mô nhỏ, bình quân chỉ hơn 4,4 triệu USD/dự án.
Khơi dậy thế mạnh
Tại Hội thảo lần này, nhiều đại biểu đã thống nhất kiến nghị: Trung ương và địa phương cần sớm ban hành chính sách phát triển thủy sản đồng bộ, thống nhất, cân bằng giữa nhu cầu, lợi ích giữa các vùng và địa phương, trước hết trong lĩnh vực giống, công nghiệp chế biến, chế tạo máy móc thiết bị phục vụ sản xuất theo chiều sâu, bền vững theo hướng tạo thêm giá trị gia tăng.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Trong các tỉnh ĐBSCL, địa phương nào cũng có thế mạnh riêng, nhưng để phát triển đòi hỏi nhiều yếu tố từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu, thị trường. Cần Thơ hội đủ 4 điều kiện đó sẽ đóng vai trò chính lôi kéo thúc đẩy thủy sản ĐBSCL, thực hiện chức năng là đầu mối của ngành thủy sản toàn vùng.
Mục tiêu là hình thành các chợ thủy sản nước ngọt vùng ĐBSCL, cụm công nghiệp chế biến thủy sản chuyên sâu, sàn giao dịch thủy sản nước ngọt; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành thủy sản. Tạo cho ngành thủy sản ĐBSCL phát triển năng động và bền vững; phát triển kinh tế vùng và phát huy thế mạnh của từng địa phương; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tạo ra thị trường thủy sản có sức hút trong khu vực; gắn kết các khâu trong chuỗi giá trị thủy sản, đồng thời trở thành cực thu hút đầu tư; hình thành sàn giao dịch thủy sản; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; hình thành trung tâm kinh tế tri thức…
Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt và nhu cầu phát triển thủy sản của địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển của toàn vùng ĐBSCL, các tỉnh sẽ xây dựng danh mục các dự án đầu tư để thu hút sự quan tâm của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc xây dựng các chính sách đột phá trong thu hút và quản lý đầu tư chính là chìa khóa đánh thức những tiềm năng to lớn của ngành thủy sản.
Đầu tư có trọng tâm
Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực thủy, hải sản của cả nước giai đoạn 2012 - 2020 là 60.000 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hơn 26.000 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương gần 7.000 tỷ đồng, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư 27.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng chiếm đến 44,6%; chế biến chiếm gần 33%; khai thác chiếm 18,6%, còn lại là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực ngành thủy sản. Thực tế thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản của cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL trong thời gian qua còn khiêm tốn.
Hội thảo Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thủy hải sản tại ĐBSCL với ý tưởng hình thành Trung tâm chế biến công nghiệp cao tại Cần Thơ, kết nối với các cụm ngành thủy sản chủ lực trong khu vực sẽ góp phần chuyển hóa ý tưởng thành hành động và sự phát triển thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, vùng ĐBSCL có hàng triệu hecta mặt nước thích hợp cho nuôi trồng thủy sản, tiềm năng phát triển ngành thủy sản ở đây còn rất lớn, do đó việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước tập trung khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có là rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực thủy sản tại vùng ĐBSCL là diễn đàn để các địa phương trong vùng giới thiệu tiềm năng lợi thế, dự án mời gọi đến các nhà đầu tư. Đây cũng là dịp để các địa phương thảo luận liên kết, cùng nhau vực dậy tiềm năng phát triển lĩnh vực thủy sản của cả vùng. Trong đó, Cần Thơ được xem như trung tâm kết nối và hỗ trợ cho các tỉnh về khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại… thông qua mô hình trung tâm nghề cá vùng.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Xúc tiến đầu tư cho thủy sản vùng ĐBSCL bằng cách tiếp cận liên kết vùng, nhằm khai thác triệt để thế mạnh và tiềm năng của các địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển toàn diện thủy sản trong vùng. Để thực hiện tốt lộ trình thu hút đầu tư phát triển thủy sản vùng ĐBSCL, các tỉnh cần hoàn thiện các dự án đầu tư.