Nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị SX, tỉnh Hậu Giang đã chọn 10 loại cây, con chủ lực để đầu tư phát triển. Trong đó, có những loại nông sản từ lâu đã nổi tiếng là bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng… xây dựng đạt tiêu chuẩn GAP, ATVSTP.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Hậu Giang cũng xây dựng "Đề án 1.000", được phân kỳ thành 3 hợp phần gồm: Chuyển đổi 1.000 ha diện tích mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; chuyển đổi 1.000 ha lúa vụ 3 sang cơ cấu 2 lúa - 1 màu, 2 lúa - 1 cá; chuyển đổi 1.000 ha vườn tạp sang vườn cây có giá trị kinh tế. Tổng kinh phí đầu tư chuyển đổi diện tích này khoảng 150 tỷ đồng, trong đó nông dân sẽ được vay vốn hỗ trợ lãi suất trong 2 năm (ngân sách tỉnh chi khoảng 28 tỷ hỗ trợ).
Ông Võ Xuân Tân, PGĐ Trung tâm KN-KN Hậu Giang cho biết, trung tâm xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình khuyến nông trọng điểm về 10 cây, con chủ lực đã được tỉnh chọn; xây dựng các điểm trình diễn hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo "Đề án 1.000". Để thực hiện tốt các mô hình này, trung tâm sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp cũng như nâng cao trình độ cho cán bộ khuyến nông...
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được những vùng chuyên canh với diện tích lớn, đáp ứng tốt nhu cầu SX hàng hóa. Trong đó, cây lúa có diện tích gieo trồng ổn định khoảng 82.000 ha, diện tích gieo trồng năm 2013 đạt 211.995 ha, tổng sản lượng ước đạt 1,2 triệu tấn. Cây mía với diện tích đứng đầu khu vực ĐBSCL, niên vụ 2013-2014 đạt 14.007 ha, chiếm gần 30% diện tích mía toàn vùng, sản lượng trên 1,1 triệu tấn. Tiếp đến là thủy sản có diện tích nuôi trồng trên 10.000 ha, sản lượng đạt 72.000 tấn, trong đó có nhiều mô hình SX theo hướng GAP, VietGAP…
Tại Kiên Giang, năm 2013 Trung tâm KN-KN tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao, trong đó có 25 chương trình của tỉnh, 5 chương trình của Trung tâm KNQG và chương trình hợp tác. Ngoài ra, còn thực hiện 3 đề tài khoa học có kinh phí từ Bộ và Sở KH-CN cấp.
Qua đó đã giới thiệu, hướng dẫn cho nông dân những mô hình SX hiệu quả, áp dụng thành công một số tiến bộ KHKT vào SX, góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng thu nhập cho nông dân.
Nối tiếp những thành quả đó, năm 2014, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng hàng ngàn điểm trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau.
ThS Hoàng Trung Kiên, GĐ Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho biết, năm 2014 đơn vị sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình có thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả SX. Trong đó, về lĩnh vực trồng trọt gồm: Chương trình nhân giống lúa xác nhận nông hộ với tổng diện tích 480 ha/2 vụ tại các huyện thị trong điểm về SX lúa; Chương trình xây dựng mô hình 1 phải 5 giảm; Chương trình CĐML SX lúa theo theo hướng VietGAP, tổng diện tích 3.166 ha/2 vụ với 1.678 hộ tham gia; Chương trình áp dụng cơ giới hóa trong mô hình hợp tác SX…
Về lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng các điểm nuôi gia cầm an toàn sinh học; chăn nuôi gia súc trên nền đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường; Chương trình chuyển giao tiến bộ KHKT cho xã nông thôn mới… Thủy sản, chú trọng mở rộng các mô hình tôm - lúa quản lý cộng đồng; nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển; mô hình thủy sản nước ngọt…
Ngoài ra, Trung tâm KN-KN Kiên Giang còn triển khai các chương trình, dự án hợp tác khác như: Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi; Dự án Heifer (HPI): đầu tư con giống cho các hộ nuôi; điều hành, duy trì hoạt động của các tổ; theo dõi các dự án từ những năm trước chuyển qua; giải ngân xoay vòng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích đăng ký…