Ảnh minh họa
Tại tỉnh Cà Mau, một số nông dân nuôi tôm sú đã chuyển sang nuôi cua. So với con tôm sú thì nuôi cua cần vốn đầu tư ít hơn và công chăm sóc cũng khỏe hơn. Đặc biệt là nuôi cua ít gặp rủi ro dịch bệnh. Sau khoảng 3 tháng nuôi là có thể đặt rập để bắt cua theo kiểu tỉa thưa dần, lựa những con chắc thịt, đủ gạch để bán. Mấy năm nay giá cua luôn ở mức cao nên người nuôi cua cũng có thu nhập khá.
Nếu kết hợp vừa nuôi trên ruộng, sau đó nuôi vỗ béo trong lồng rồi mới bán thì thu nhập sẽ cao hơn. Nếu giá cua cứ giữ ở mức cua thịt hơn 200.000 đồng/kg và 400.000 đồng/kg cua gạch son thì thu nhập từ nuôi cua cũng không kém gì con tôm. Một số nông dân còn mua cua cua ốp (cua mới lột) về nuôi vỗ béo trong thùng nhựa cho tới khi lên gạch để bán lại kiếm lời.
Hiện nay, phong trào nuôi cua xen tôm đang được các địa phương nhân rộng. Trong tổng số gần 22.000 ha nuôi cua của huyện An Minh (Kiên Giang) thì có trên 19.000 ha là nuôi xen canh tôm cua trên ruộng lúa (mô hình tôm - lúa).
Nhiều nông dân canh tác theo mô hình trên cho biết, nuôi cua không cho thu hoạch tập trung như tôm nhưng ngày nào cũng có nguồn thu. Mỗi ngày đặt rập bắt 4 - 5 con cua là đã có vài trăm nghìn. Còn vào những thời điểm hút hàng, giá cua tăng mạnh thì một con cua gạch bán nhiều tiền hơn cả 1 kg tôm loại lớn.