Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN -PTNT), diện tích đất nuôi trồng thủy sản sẽ đạt gần 543.000 héc ta vào năm 2020, tăng gần 75.000 héc ta so với năm 2010, và sẽ tiếp tục tăng lên mức 558.000 héc ta vào năm 2030, tức là tăng thêm 90.000 héc ta so với 2010.
Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thêm này là do đất làm nông nghiệp bị nước biển xâm lấn, không còn thích hợp với việc trồng trọt.
Với diện tích này, vào năm 2020, sản lượng thủy sản nuôi dự kiến đạt 3 triệu tấn gồm 2,1 triệu tấn cá, 578.000 tấn tôm, và 305.000 tấn thủy sản khác. Giá trị một héc ta nuôi trồng thủy sản đạt mức trung bình là 250 triệu đồng năm 2020 và lên mức 400 triệu đồng/héc ta vào năm 2030.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên trong quyết định này, Bộ NN – PTNT đưa ra mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, đảm bảo quy mô diện tích đất nông nghiệp của vùng đến năm 2020 là 3,25 triệu héc ta, trong đó, đất lúa là 1,82 triệu héc ta.
Việc giữ ổn định diện tích này nhằm giúp ĐBSCL sản xuất ổn định mỗi năm 24 triệu tấn lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam.