Cần có tôm giống sạch
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là thủ phủ sản xuất, chế biến tôm chất lượng cao. Đến nay, diện tích thả giống tại các địa phương nuôi tôm trọng điểm khu vực ĐBSCL là 536.440 héc-ta, trong đó, tôm sú chiếm gần 521.480 héc-ta, tôm thẻ chân trắng có 14.960 héc-ta. Sản lượng thu hoạch đạt khoảng 39.419 tấn. Ước tính, số lượng giống thả nuôi khoảng 24,2 tỷ con, trong khi đó, khả năng cung ứng giống tại chỗ của các tỉnh ĐBSCL chỉ đạt 10,8 tỷ con, đáp ứng chưa tới 45% nhu cầu, phần lớn số lượng giống còn lại nhập từ các tỉnh Nam Trung Bộ.
Năm nay, ngành nuôi tôm có nhiều thuận lợi vì không xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn như năm rồi nhưng người nuôi tôm ở ĐBSCL lại đối mặt với thời tiết diễn biến thất thường và rào cản về kỹ thuật. Để đạt được kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD thì ngay từ bây giờ, các địa phương cần có giải pháp, triển khai kế hoạch hành động cụ thể. Đối với người nuôi tôm, con giống có vai trò rất quan trọng. Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải kiểm tra, giám sát, quản lý tốt con tôm giống nhập khẩu từ giống bố mẹ đến việc cho đẻ, nhân giống tại các địa phương.
Nói về giống tôm sạch và kháng bệnh, Giám đốc Công ty TNHH Tôm giống Châu Phi Trần Công Bình cho biết: “Để ngành nuôi tôm phát triển bền vững thì con giống sạch, kháng bệnh là rất quan trọng. Muốn tạo ra những con giống bảo đảm chất lượng thì phải có Trung tâm gia hóa, mà hiện nay, nước ta chưa có trung tâm này để tạo ra con giống tôm gốc. Nguồn giống tôm sú của nước ta chỉ có một trung tâm ở tỉnh Ninh Thuận nhưng chỉ nuôi tôm bố mẹ. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thành lập Trung tâm gia hóa để tạo ra con tôm gốc, từ đó tạo ra nguồn gia hóa bố mẹ để cho các tỉnh thành lập trung tâm nuôi tôm bố mẹ, tạo ra con giống tôm sú đạt chất lượng, sạch bệnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ con giống để bảo đảm chất lượng giống cho người nuôi”.
Tạo chuỗi liên kết trong sản xuất
Trong nuôi tôm không chỉ tạo con giống tốt mà còn phải đáp ứng kỹ thuật nuôi và liên kết sản xuất. Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Cà Mau Hồ Công Chánh, để ngành nuôi tôm phát triển bền vững, hiệu quả thì công ty đã triển khai mô hình tôm - rừng (tôm sinh thái). Đây được xem là mô hình nuôi tôm sạch đang được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Hiện nay, công ty đã phát triển nuôi cho khoảng 1.000 hộ dân, công ty cũng đang triển khai phát triển mở rộng mô hình ở các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu... Các hộ nuôi tôm đều theo quy chuẩn kỹ thuật công ty đưa ra, tạo ra sản phẩm tôm sinh thái đa chứng nhận, bán với giá cao hơn từ 20% đến 30% so với tôm không được cấp giấy chứng nhận; đồng thời, quy trình nuôi này cũng giúp tăng năng suất từ 200kg/ha/năm lên 2 tấn/ha/năm. Hiện nay, công ty đã ký liên kết khoảng 1.000 hộ dân cung cấp giống lấy post lớn và liên kết cung cấp thức ăn hữu cơ bổ sung nuôi tôm rừng đước.
Cũng cần có sự liên kết chuỗi giá trị để giải quyết vấn đề nuôi tôm theo hình thức nhỏ lẻ, vì nuôi nhỏ lẻ không bền vững, lâu dài. Khi tạo được sự liên kết trong nuôi tôm, địa phương phải có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ về môi trường để bảo đảm người nuôi đạt cả năng suất lẫn chất lượng.
Giám đốc Hợp tác xã Nông cơ 14/10 Ngô Công Luận khẳng định, ngành nuôi tôm ở Sóc Trăng đã phát triển từ lâu, từ hộ nhỏ lẻ dần dần liên kết thành hợp tác xã (HTX). Khi thành lập HTX, các hộ nuôi đều tập trung nuôi theo kỹ thuật đạt chuẩn tôm sạch bệnh, theo đó liên kết với các công ty để được cung cấp con giống, lo đầu ra. Hiện nay, HTX nuôi tôm sạch theo chuẩn VietGAP nên giá thành cao từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg so với tôm thường.
Những năm qua, khi được nhà khoa học hướng dẫn về mô hình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, bà con nuôi đạt hiệu quả rất cao, bền vững. HTX nuôi tôm không sử dụng thuốc kháng sinh, đều được công ty mua với giá cao. Nông dân không lo gian lận trong thu mua, ổn định đầu ra. HTX còn ký hợp đồng với nhiều công ty để được cung cấp giống, thức ăn chất lượng, nhất là trong hỗ trợ kỹ thuật nuôi theo quy trình tôm sạch, quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh.
Để đạt kim ngạch xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, hiện nay, người nuôi tôm ở ĐBSCL đang đối mặt với những biến đổi bất thường của thời tiết nên để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD không phải dễ. Muốn đạt được, thì ngay từ bây giờ, phải tạo ra sản phẩm tôm đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó, phải chấm dứt nạn tiêm chích tạp chất vào tôm và dư lượng kháng sinh. Chuyển từ nuôi tôm có kháng sinh sang nuôi theo chế phẩm sinh học và các giải pháp khác có liên quan, hướng đến ngành tôm thân thiện với môi trường sinh thái.
Theo PGS, TS Trương Quốc Phú, Trường đại học Cần Thơ, rủi ro lớn nhất của người nuôi tôm là dịch bệnh và thị trường. Dịch bệnh là yếu tố môi trường nước không được quản lý tốt, nhất là mô hình nuôi theo bán thâm canh, thâm canh không kiểm soát được nước thải.
Để nuôi thành công và lâu dài, hướng theo mô hình hữu cơ, sinh thái, thì quy trình nuôi phải không xả thải. Hiện nay, Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công nuôi tôm tuần hoàn khép kín, không xảy ra dịch bệnh, không xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, cần phải có những trung tâm, công trình nghiên cứu về giống tôm, nhất là thành lập Trung tâm gia hóa để không phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài.
Hiện nay, ngành tôm đang tập trung tăng sản lượng, không tăng diện tích bằng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất, trong đó doanh nghiệp tổ chức lại hộ sản xuất nhỏ lẻ để sự liên kết của người nuôi đóng vai trò quan trọng, chú trọng kiểm soát tốt chất lượng con giống; tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhân rộng mô hình, những kinh nghiệm hay phổ biến đến bà con. Để chấm dứt tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, dư lượng hóa chất, kháng sinh thì các địa phương phải phối hợp với ngành Công an, tăng cường kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bốn tỉnh điểm gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang phải tích cực triển khai và thực hiện nghiêm, ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, dư lượng hóa chất, kháng sinh để hướng tới phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững, đáp ứng được thị trường và đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đề ra.