Yêu cầu cơ quan chức năng sớm có kết luận
Tôi đã nhận được đơn kêu cứu của nông dân vì bị Công ty cổ phần Việt An thiếu nợ. Hiện nhiều cơ quan chức năng ở An Giang đã vào cuộc để làm rõ. Việc làm rõ này cũng đã sắp có kết quả cuối cùng. Thực tế, việc nhà máy mắc nợ nông dân, chúng tôi cũng không trực tiếp giải quyết được. Nhưng chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải kết thúc sớm, tìm hướng giải quyết để người dân giảm được tối đa thiệt hại.
Bà Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh ủy An Giang
Xem kỹ các điều khoản
Để có căn cứ xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa nông dân với Công ty Việt An, cần có nhiều thông tin khác như: Hợp đồng mua bán giữa công ty và các hộ nông dân có áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản hay không? Khoản vay của công ty với ngân hàng có bảo đảm bằng tài sản hay không?... Khi công ty không đủ điều kiện thanh toán các khoản nợ phải thực hiện thủ tục phá sản. Theo điểm d, khoản 1, Điều 54 Luật Phá sản, các tài sản được phân chia là các tài sản còn lại của công ty. Nếu ngân hàng cho công ty vay vốn mà không có tài sản bảo đảm và hợp đồng mua bán giữa công ty và các hộ nông dân không áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản thì thứ tự thanh toán của ngân hàng và nông dân là như nhau.
LS Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Đại Nam)
Trao đổi và cùng tháo gỡ
Cho đến nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp dù gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có trường hợp nào bị nông dân đòi nợ. Nói vậy không có nghĩa là doanh nghiệp ở Đồng Tháp không có nợ nông dân. Nhưng chúng tôi để ý rất kỹ. Chỉ cần nghe có nông dân than phiền là chúng tôi sẽ trao đổi ngay với doanh nghiệp, đề nghị họ tháo gỡ chứ không để sự việc lún sâu.
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Nắm rõ thông tin
Việc nông dân bán sản phẩm cho doanh nghiệp, rồi bị chây ỳ thanh toán không phải là ít. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nông dân “mù” thông tin về khả năng tài chính của doanh nghiệp; hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên hợp đồng thiếu chặt chẽ... Để hạn chế thấp nhất rủi ro khi ký hợp đồng cần có tư vấn của cơ quan tư pháp địa phương và người dân cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp đó.
Bạn đọc Phạm Thị Lương (Giao Thủy, Nam Định)
Nông dân cần được trợ giúp làm hợp đồng
Đằng sau câu chuyện này, vấn đề cần được đặt ra là phải làm sao nâng cao nhận thức cho người nông dân? Các hiệp hội, tổ chức phải xắn tay vào hỗ trợ nông dân trong việc giao kết hợp đồng. Tâm lý người nông dân ngại kiện do hợp đồng không chuẩn, hợp đồng có nhiều điều kiện bất lợi cho chính nông dân. Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng cho doanh nghiệp vay nợ có lợi thế hơn, dễ siết nợ doanh nghiệp hơn so với nông dân. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nông dân hoặc ngân hàng bên nào đưa đơn kiện doanh nghiệp trước thì có quyền siết nợ tài sản của doanh nghiệp trước. Tôi cho rằng dù là quan hệ dân sự thì các cơ quan nhà nước vẫn có thể can thiệp bằng cách này hay cách khác để đảm bảo quyền lợi cho nông dân nếu họ không được trả nợ.
Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam