Tính đến năm 2018, Việt Nam đã có gần 260.000ha nuôi biển, với 4,3 triệu m3 lồng, sản lượng đạt hơn 430.000 tấn, chủ yếu là nhuyễn thể, cá biển, giáp xác… Song, nghề nuôi biển vừa qua còn tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ kỹ thuật chưa cao nên hiệu quả kém. Các vùng nuôi đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, công nghệ lồng nuôi tự phát, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, việc nuôi biển theo quy mô công nghiệp với các lý do về vốn, công nghệ nên rất ít doanh nghiệp mặn mà đầu tư.
Ông Erick HemPel, Giám đốc Truyền thông quỹ Nor-Fishing, Na Uy cho biết, việc nuôi thủ công của người dân Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, người dân cần được hỗ trợ về bảo hiểm vật nuôi, tín dụng.
“Người dân nuôi tôm dưới dạng thủ công, quy mô nhỏ nên không có tiền đầu tư vào công nghệ. Họ cũng không đủ tiền để cập nhật những kiến thức thường xuyên về công nghệ nuôi tôm. Thức ăn chăn nuôi cũng là một vấn đề. Khi nuôi quy mô, thức ăn có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe của vật nuôi”, Erick HemPel nói.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, việc áp dụng các công nghệ của Na Uy sẽ góp phần giúp địa phương khắc phục tình trạng bất cập trong nuôi trồng thủy sản ven bờ hiện nay.
“Công nghệ nuôi trên bờ tuần hoàn nước sẽ không xả thải ra môi trường. Công nghệ đó để áp dụng cho xử lý nuôi tôm hùm, tránh việc nuôi trong các đầm vịnh hiện nay, tránh xung đột với ngành nuôi thủy sản khác. Công nghệ nuôi sâu, nuôi lồng ở biển hở mà Na Uy giới thiệu sẽ là điều kiện để Việt Nam đưa các loại cá ra xa bờ hơn, bảo đảm an toàn, sạch hơn cho môi trường nước, tránh xung đột về du lịch”, ông Trần Hữu Thế khẳng định.
Với chiều dài bờ biển hơn 3.200km và hơn 1 triệu km2 mặt biển, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng nuôi biển rất to lớn. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng chiến lược nuôi biển, dự kiến, năm 2030, có 10 triệu m3 lồng, đạt 1,8 triệu tấn sản phẩm nuôi, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4 - 6 tỷ USD.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, để làm được điều này, Việt Nam sẽ phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ, quy hoạch và quản lý hiện đại.
“Giữ cho biển khỏe, sạch, khắc phục được rác thải nhựa, môi trường như vậy thì nuôi biển mới có hiệu quả. Còn đi từ việc quy hoạch đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn, từng đối tượng cho từng vùng một thì Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các địa phương xây dựng các tiêu chí này, để khi triển khai nuôi theo đúng quy hoạch, đúng đối tượng, đúng các vùng được khảo sát, đánh giá, đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Phùng Đức Tiến cho hay./.