Thực tiễn phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở nước ta trong những năm qua cho thấy, tôm nước lợ là đối tượng NTTS chủ lực, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là các địa phương ven biển. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đang chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản. Năm 2016, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 69.645 ha, sản lượng đạt 657.282 tấn. Khu vực ven biển miền trung gồm 14 tỉnh, thành phố (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, hiệu quả thấp. Vì vậy việc chuyển đổi sang NTTS, nhất là nuôi tôm trên cát sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất cát vùng ven biển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo kết quả điều tra của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, tiềm năng đất cát của các tỉnh khu vực miền trung rất lớn, toàn vùng có khoảng 100.000 ha đất cát, trong đó diện tích có thể đưa vào NTTS lên đến 15.000 ha. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm trên cát ở các tỉnh này tính đến 2016 mới chỉ đạt 3.734 ha (tương đương 25,5% diện tích), với sản lượng đạt 41.705 tấn. Do vậy, nếu có cơ chế quản lý và đầu tư phù hợp, có thể tiếp tục mở rộng, nâng cao diện tích, sản lượng và giá trị nuôi tôm trên cát.
Tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá tiềm năng, kết quả bước đầu của xu hướng phát triển nuôi tôm trên cát tại các tỉnh, đa số ý kiến của đại biểu tham gia cũng cho rằng, nuôi tôm trên cát cần nguồn vốn đầu tư lớn, đòi hỏi quy trình kỹ thuật cao và công nghệ phức tạp… Vì vậy, nếu không quản lý, tổ chức sản xuất tốt sẽ phát sinh nhiều hệ lụy không mong muốn cả với kinh tế, xã hội lẫn môi trường…
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 7.000 ha diện tích nuôi tôm trên cát, sản lượng nuôi đạt hơn 110.000 tấn, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha mặt nước/vụ, các ý kiến tham luận tại hội nghị cho rằng, thời gian tới các địa phương cần rà soát các vùng nuôi tôm trên cát hiện tại ở các tỉnh miền trung trong khuôn khổ kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam; quy hoạch, thiết kế và đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm… Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý, tổ chức sản xuất và phát triển thị trường; tăng cường hàm lượng công nghệ, kỹ thuật trong quy trình sản xuất tôm; thực hiện tốt các giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh; xây dựng cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ…