Từng được thưởng thức vị ngọt, thơm của mực khô Thạch Kim nên không ít lần chị Nguyễn Thị Thành (TP Hồ Chí Minh) cố tìm mua sản phẩm này nhưng cũng không mấy dễ dàng. Chị Thành chia sẻ: “Mặc dù lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh khá lâu nhưng mỗi lần về quê, mình đều gắng dặn người quen mua cho ít cân mực khô để vừa làm quà, vừa ăn dần. Ở trong này cũng có mực khô miền Nam nhưng hơi mặn lại không thơm nên không mấy khi ăn. Nếu như sản phẩm mực Thạch Kim quê mình được bán ở các siêu thị thì những người “nghiện” mực tha hồ được thưởng thức”.
Theo thống kê của UBND xã Thạch Kim, trung bình mỗi năm, toàn xã thu mua trên 30 tấn mực tươi để cấp đông, gần 15 tấn mực khô, mực một nắng… Mặc dù sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn nhưng mới chỉ là những đơn hàng lẻ, chưa đủ điều kiện để vươn ra những thị trường lớn hơn. Chị Hoàng Thị Ngọc Bích - chủ cơ sở đông lạnh Lan Bích cho biết: “Ngoài cấp đông mực ống tươi, mỗi năm, cơ sở còn phơi sấy gần 10 tấn mực khô, cá khô các loại. Mặc dù sản xuất với số lượng lớn nhất nhì xã nhưng mực khô vẫn chủ yếu bán nhỏ lẻ cho người quen. Nếu được các cấp, ngành giới thiệu, hướng dẫn để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu thì sản phẩm của Thạch Kim sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn nữa”.
Sản phẩm ruốc xay nhuyễn (người dân thường gọi là ruốc kem) của Thạch Kim cũng đang bị “chảy máu chất xám”. Được biết, “ruột” của sản phẩm là kết quả chế biến từ con khuyết (ruốc, tép) của người dân địa phương, còn “vỏ” lại mang tên một đơn vị sản xuất đóng tận… TP Hồ Chí Minh. Theo tìm hiểu, một số cơ sở sản xuất ở Thạch Kim tiến hành thu mua nguyên liệu chế biến thành sản phẩm ruốc kem và liên hệ với các cơ sở sản xuất ở miền Nam để nhập bán. Sau đó, ruốc tiếp tục được chế biến, đóng gói thành sản phẩm và tung ra thị trường mà không mảy may nhắc đến tên cơ sở sản xuất gốc.
Chị Phạm Thị Phượng - chủ cơ sở sản xuất ruốc Hảo Phượng cho hay: “Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của tôi chế biến gần 100 tấn ruốc kem và đóng gói nhập cho các cơ sở ở miền Nam. Gần 10 năm trong nghề chế biến ruốc nhưng cũng từng ấy năm tôi chỉ nhập thô cho các cơ sở khác. Khi biết lọ ruốc trên thị trường bên trong là của mình nhưng bên ngoài lại đề tên cơ sở khác cũng xót lắm nhưng do mình chưa đủ điều kiện để làm như họ nên cũng ngậm ngùi chấp nhận. Hiện nay, cơ sở của tôi rất mong muốn được hướng dẫn các điều kiện cần thiết để mang sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng”.
Đem nguyện vọng của các cơ sở chế biến thủy, hải sản Thạch Kim đến gõ cửa một số cơ quan chức năng thì được biết, đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Mạnh Hùng - Phòng Quản lý công nghiệp - Sở hữu trí tuệ Sở KH&CN cho biết: Theo quy định, từ khi đăng ký nhãn hiệu đến khi cấp văn bằng phải mất gần 1 năm và hàng chục giai đoạn, hồ sơ, thủ tục nên nhiều cơ sở sản xuất “đứt gánh giữa đường”.
Để khắc phục hạn chế này, Sở KH&CN đã mạnh dạn mời một công ty đại diện cho cơ sở sản xuất làm tất cả các thủ tục về hoạt động tại địa bàn Hà Tĩnh (phí do cơ sở sản xuất tự thỏa thuận). Ngoài ra, Sở KH&CN đang đề xuất dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể mực Thạch Kim trong năm 2016 để sản phẩm có thể tham gia các thị trường yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc sản phẩm. Riêng sản phẩm ruốc kem, trước mắt, các cơ sở sản xuất cần tập trung xây dựng thương hiệu, từ đó, sẽ được hỗ trợ đầu tư chai lọ, đóng gói và giới thiệu kênh tiêu thụ. Bên cạnh đó, cơ sở nên yêu cầu các đối tác mua sản phẩm của mình ghi rõ xuất xứ từ gốc…