Thâu đêm trên sông
Từ lâu, dòng Mekông đã hào phóng ban tặng ngư phủ những “đặc ân” dưới các khúc sông sâu, lạnh lẽo. thành thông lệ, vào tháng 11 (âm lịch) năm trước, kéo dài cho tới tận tháng 5 (âm lịch) năm sau, dòng sông Hậu, sông Vàm Nao kỳ bí, lúc nào cũng hiện hữu nhiều cá bông lau cỡ lớn trú ẩn. Quanh năm, dòng sông hiền hòa đã soi bóng biết bao lớp người đến mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản, kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Màn đêm buông dài trên khúc sông Vàm Nao, tiếng máy chạy lạch cạch, tiếng chèo khua nước, tiếng “í ới” gọi nhau… xua tan nỗi buồn tẻ và cô liêu. Chiếc xuồng tam bản cỡ lớn của anh Nguyễn Văn Giang (ngụ ở huyện Phú Tân, An Giang) chất đầy lưới, đèn báo hiệu đưa chúng tôi từ bến phà Thuận Giang lên tuyến đầu phía trên chợ Phú Mỹ.
Đến đoạn nước sâu, anh tắt chiếc máy đuôi tôm, nhanh tay nắm cán chèo chầm chậm đẩy nước, bủa lưới. Anh Giang kể, đã nối nghiệp cha mình cái nghề hạ bạc này hơn 15 năm, ngần ấy thời gian anh nếm trải được nổi gian truân, vất vả trên khúc sông này.
Anh Giang cho biết, nghề giăng lưới cá bông lau thăng trầm như con nước lớn, ròng. Đêm xuống thì lấy sóng nước, trăng sao làm bầu bạn. Ngày nào giăng lưới dính được nhiều cá, vui lắm! Có đêm giăng lưới không dính con nào. Bây giờ, cá ít hơn xưa nên nhiều người gác mái chèo lên bờ làm công nhân. “Thời điểm này, cá bông lau loại lớn xuất hiện chưa nhiều. Cách 2-3 đêm, tui giăng lưới dính 1-2 con cá bông lau, cân nặng từ 4-6kg. Hiện tại, tiểu thương thu mua nguyên con, với giá 260.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí kiếm được tiền triệu”- anh Giang nhẩm tính.
Đầy trăn trở
Những ngày này, ghe xuồng giăng lưới cá bông lau khá đông. Tại khúc sông Vàm Nao có 2 bến đậu xuồng giăng lưới, mỗi bến có khoảng 15 đầu xuồng. Chập choạng, mọi người đều lên đèn chuẩn bị thả lưới. Những lúc xuồng, ghe đông đúc, họ phải nằm “chờ tài”. Người nào đến trước thì được quyền thả trước, mỗi luồng lưới giăng trên sông cách nhau khoảng 200m. Hiện nay, không những ngư dân tại khu vực Vàm Nao mà dân nghèo từ nơi khác cũng đến đây khai thác cá. về đêm, những chiếc đèn báo hiệu nối từng hàng giăng kín cả khúc sông.
Ông Trần Văn Toàn (Phú Tân), một người giăng lưới cá bông lau “cự phách” trên sông Vàm Nao nói rằng, nguồn cá bây giờ có năm trúng, năm thất, bấp bênh lắm. Do đó, ông đã “cự tuyệt” với nghề hạ bạc đã gần 10 năm. Ông Toàn cho biết, ngày trước từng đánh lưới cá bông lau, mỗi năm giăng dính vài chục con là chuyện bình thường. Nhưng mấy chục năm gắn bó với nghề “bà thủy” chẳng dư dả gì.
Có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề giăng lưới cá bông lau, anh Nguyễn Ngọc Lợi (Châu Thành) cho rằng, loài cá này không phải trôi dạt từ Biển Hồ (Campuchia) xuống, mà có thể từ vùng nước lợ miệt dưới. Từ khi vào nghề đánh bắt cá bông lau đến giờ, anh Lợi chưa thấy cá bông lau lội xuôi dòng Mêkông.
“Vào nghề đã lâu, thậm chí cha tôi cũng cho biết, đến mùa là chúng lội ngược dòng tìm nơi sinh sản, rồi quay trở lại vùng nước lợ”- anh Lợi giải thích. Hàng đêm, tại khúc sông Hậu (đoạn Chắc Cà Đao, Châu Thành) có tới 20 đầu xuồng giăng lưới cá bông lau. Những năm trước, con cá còn nhiều, khúc sông này có đến 50-60 đầu xuồng, nay chỉ còn khoảng 20 đầu xuồng lớn, nhỏ.
Anh Lê Minh Sơn (cồn Bình Thủy, Châu Phú), một thương lái chuyên thu mua cá bông lau ở Vàm Nao cho biết: “trời trở lạnh, cá bông lau dính lưới lai rai. Mỗi đêm, tui thu mua từ 5-10 con cá bông lau. hiện nay, cá bông lau được xem là đặc sản, do đó, giá cá nằm ở mức cao nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Còn ông Nguyễn Văn Phước (ngụ xã Bình Mỹ, Châu Phú) chuyên thu mua cá bông lau bán lẻ dọc Quốc lộ 91 cho biết: “Mỗi ngày, tui cân từ 4-5 con cá bông lau loại 5-9kg/con, giá 260.000 đồng/kg, khách ghé lại mua rất đông”.
Tờ mờ sáng, chia tay xóm lưới ven sông cũng là lúc nhiều “ngư phủ” lỉnh kỉnh xách những con cá bông lau trắng hếu, nặng trịch đem cân cho tiểu thương, sau một đêm đầy vất vả.