VASEP dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) cho thấy nhập khẩu cá ngừ của Đức năm 2019 đạt 81.000 tấn, trị giá 383 triệu USD, giảm 14% về khối lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cá ngừ đóng hộp (mã HS16) vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, tới hơn 97% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của Đức. Tiếp đến là các sản phẩm thăn/phi lê cá ngừ đông lạnh chiếm 2%.
Tại Châu Âu, Đức đang đóng vai trò là trung tâm phân phối các sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào nước này thường được tái xuất tới các chuỗi phân phối tại những quốc gia thành viên EU khác. Hiện Philippines, Papua New Guinea (PNG), Ecuador, Ghana và Việt Nam là các nguồn cung cá ngừ chế biến đóng hộp lớn nhất ngoài khối EU cho thị trường Đức.
Đáng chú ý, sau một thời gian sụt giảm liên tục năm 2019 và tháng đầu năm 2020 thì trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Đức đã đảo chiều tăng mạnh 134%. Nước này trở thành thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU.
Tương tự, dù là nước có ngành chế biến cá ngừ phát triển, nhưng Ý vẫn đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ đóng hộp. Tỷ trọng sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp trong 11 tháng đầu năm 2019 chiếm gần 74% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của nước này. Ý hiện đang nhập khẩu cá ngừ chủ yếu từ các nguồn cung ngoài khối EU như Ecuador, Bờ Biển Ngà, Solomon, Mauritius, Indonesia, Colombia, Philippines, Seychelles, Papua New Guinea và Việt Nam. Trong đó, Ecuador đang là nguồn cung cá ngừ lớn nhất ngoài khối EU, đồng thời là nguồn cung cá ngừ chế biến đóng hộp lớn nhất cho thị trường Ý, chiếm 11% tổng nhập khẩu cá ngừ của nước này. Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 10 cho thị trường Ý, chiếm hơn 2% tổng nhập khẩu cá ngừ của Ý và lượng xuất nhiều nhất là cá ngừ tươi sống và đông lạnh.
VASEP nhận định, hiện sự bùng phát của virus corona chủng mới khiến người dân Ý tích trữ rất nhiều cá ngừ đóng hộp vì các sản phẩm này có thể dự trữ trong thời gian dài. Ngoài ra, ở Tây Ban Nha, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp cũng gia tăng.
Nhìn chung, dịch bệnh tiếp tục gia tăng cùng với các biện pháp đóng cửa của một số nước châu Âu khiến xuất khẩu thủy hải sản bị ảnh hưởng vì tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang tích trữ một lượng lớn các lương thực chủ yếu như cá ngừ đóng hộp. Do đó, nhu cầu đối với cá ngừ đóng hộp đã tăng lên. Điều này có thể làm gia tăng lượng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào thị trường EU.