Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, mặn xâm nhập sâu vào đất liền, trong khi hệ thống đê bao ngăn mặn chưa khép kín, ở những vùng đất thấp, hệ thống thủy lợi cục bộ yếu kém đã bị ảnh hưởng sáu tháng mặn, lợ là điều kiện tốt để bà con nuôi trồng thủy sản, dù đã qui hoạch ngọt hóa. Ông Trường Ngân - xã An Thạnh (Thạnh Phú) nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 8.000m2 (trong đê 418, vùng ngọt hóa) nêu, vụ đầu tiên do kỹ thuật không tới, ông lỗ nặng nhưng vụ thứ hai, đã có lãi hơn 800 triệu đồng. Chỉ không quá ba tháng nuôi tôm thẻ chân trắng, bà con có thể “đổi đời” được thì cũng nên cho phép nuôi. Ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Thới Lai, nêu: Hiện bà con nuôi tôm đạt năng suất và có lãi lớn nhưng cũng có hộ không nuôi thì bức xúc vì bị thiệt hại hoa màu. Ở một vài ấp, do mặn xâm nhập và bà con rất có điều kiện nuôi trồng, tôi nghĩ cũng nên xem xét và điều chỉnh, thoáng cho dân. Ông Nguyễn Trọng Huy - Công ty Huy Thuận nêu, giá tôm hiện ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua do nhu cầu tôm thế giới tăng nhanh và thiếu hụt. Hiện nay, đối với việc nuôi tôm ở vùng nước ngọt, dịch bệnh rất ít xảy ra, nhất là bệnh hoại tử gan tụy, bởi các nhà khoa học chứng minh rằng, vi rút gây bệnh này chỉ sống ở vùng nước có độ mặn cao từ 5%o trở lên. Các công ty giống thủy sản đều có khả năng cung cấp con giống ở độ mặn thấp dưới 5%o. Việc phát hiện và nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt đạt hiệu quả (do không bị bệnh hoại tử gan tụy) là do nông dân của Việt Nam đi đầu, nên sản lượng tôm của nước ta trong những năm qua rất ổn định. Cùng ý kiến này, đại diện của Công ty thủy sản Tuấn Hà nêu, trong khi hệ thống thủy lợi của tỉnh chưa đồng bộ, khép kín và việc nuôi tôm ở vùng ngọt hóa của bà con đạt năng suất cao, cho lãi cao và khá ổn định, tỉnh nên tạo cơ hội để bà con làm giàu. Việc qui hoạch và điều chỉnh qui hoạch là chuyện nên làm, càng sớm, càng tốt để người dân biết mà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Quới - Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm nêu, việc điều chỉnh qui hoạch là cần thiết nhưng chúng ta cần có lộ trình, đi từng bước, điều chỉnh ở mức độ nào, bao nhiêu diện tích cho vừa. Việc nuôi tôm ở vùng ngọt hóa về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tầng đất canh tác do đào ao, khoan giếng lấy nước mặn. Ông Lâm Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú nêu, tình hình nuôi tôm ở vùng ngọt hóa trên địa bàn huyện diễn biến rất phức tạp do lợi nhuận của bà con, rất khó cấm (diện tích nuôi tôm tăng 300ha - trên đất giồng cát và ngọt hóa). Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang Tuyến - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh nêu, con tôm cũng giống như các loại cây con khác, đất mới là điều kiện tốt nhất để sinh trưởng và ít dịch bệnh. Điều chỉnh qui hoạch lần này phải mang tính bền vững và chắc chắn, không nên bỏ quên qui hoạch vùng nước lợ, vùng đã qui hoạch trước đây. Không qui hoạch trắng một vùng toàn tôm như bài học từ mấy năm về trước ở Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Bảo Thạnh, Bảo Thuận… đất bị thoái hóa, nuôi tôm không còn hiệu quả. Cần đa dạng hóa vùng nuôi với nhiều loài thủy sản khác nhau. Bài học từ các nước cho thấy, việc độc canh, độc con thường không có hiệu quả bền vững. Ông Lê Đức Liêm - Phó Phân viện trưởng, Phân viện Qui hoạch thủy sản phía Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc điều chỉnh qui hoạch lần này cũng sẽ tính đến yếu tố đa dạng hóa vùng nuôi với nhiều loài khác nhau. Viện sẽ đưa ra nhiều phương án dự báo để tỉnh lựa chọn.
Kết thúc Hội thảo, ông Lê Phong Hải nêu, điều chỉnh qui hoạch là chuyện bình thường, làm sao có lợi, đúng với thực tế, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Qui hoạch lần này phải có tính bền vững, chắc chắn với lộ trình, bước đi cụ thể, không nóng vội, phải có sự đồng thuận cao từ phía nhân dân. Ngành sẽ sớm thành lập hội đồng thẩm định, thông qua điều chỉnh qui hoạch sớm công bố ra dân, để bà con và doanh nghiệp an tâm đầu tư. Dự kiến đầu quí I-2014, qui hoạch sẽ được công bố, với khoảng 10.000ha, nằm trên địa bàn ba huyện biển, huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam. Tổng kinh phí hơn 805 triệu đồng, từ ngân sách tỉnh.