Ngày 15-4, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cho biết tình trạng tôm hùm chết nhiều ở 2 tỉnh này trong thời gian qua là do bệnh sữa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) 2 tỉnh đang tìm các giải pháp để giúp người dân hạn chế tình trạng tôm chết.
Mỗi ngày mất 3-5 triệu đồng
Vùng nuôi tôm hùm chủ lực của Khánh Hòa là TP Cam Ranh. Từ đầu năm đến nay, tôm nuôi ở vùng này liên tục chết trên diện rộng. Bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ phường Cam Phúc Nam, TP Cam Ranh) cho biết gia đình đầu tư hơn 1 tỉ đồng nuôi 20 lồng tôm hùm, trong đó có 5 lồng tôm bông, 10 lồng tôm xanh và 5 lồng tôm giống. Hơn 2 tháng qua, tôm chết liên tục, có ngày lên đến 40-50 con đủ kích cỡ. “Tôm đến kỳ thu hoạch đạt cỡ 8 lạng/con cũng chết không rõ nguyên nhân. Mỗi ngày cứ mở mắt ra là thấy mất 3-5 triệu đồng, tiền bạc nào chịu nổi” - bà Hằng than.
Theo Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, địa phương này có gần 30.000 lồng nuôi tôm hùm. Tỉ lệ tôm chết ở các lồng từ 10%-15%.
Trong khi đó, tại thị xã Sông Cầu - thủ phủ tôm hùm của tỉnh Phú Yên với gần 21.000 lồng nuôi - tình trạng tôm hùm chết cũng không kém. Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng thị xã Sông Cầu đã có gần 1,2 triệu con tôm hùm chết. Tỉ lệ tôm chết ở các lồng trên 20%. Trong đó, cá biệt có những lồng nuôi ở xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) chết đến 70%.
“Vay tiền ngân hàng để nuôi tôm. Trước Tết tôm bị sốc nước ngọt chết hơn một nửa rồi. Giờ tôm lại tiếp tục chết thế này, gia đình chẳng còn gì để trả nợ ngân hàng” - bà Trần Thị Lan, nuôi tôm hùm ở xã Xuân Cảnh, rầu rĩ.
Mật độ nuôi quá dày
Phòng Kinh tế TP Cam Ranh cho biết nguyên nhân tôm chết chủ yếu do ảnh hưởng mưa lớn, các hồ xả lũ làm nguồn nước nuôi (nước biển) giảm độ mặn, tôm hùm bị nhiễm bệnh. Qua kiểm tra cho thấy tôm bỏ ăn, bụng chuyển sang màu trắng sữa, cơ nhão, có mùi hôi… là dấu hiệu của bệnh sữa.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (TP Nha Trang) đã lấy 9 mẫu tôm hùm tại thị xã Sông Cầu phân tích. Kết quả, cả 9 mẫu đều nhiễm vi khuẩn Rickettsia-like. Từ đó, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên khẳng định nguyên nhân dẫn đến tôm hùm chết nhiều ở thị xã Sông Cầu là do mắc bệnh sữa.
“Do mật độ nuôi quá dày, cả về số lượng lồng nuôi trên một diện tích và số tôm trên một lồng nuôi. Điều kiện tốt nhất để tôm phát triển tối đa chỉ 60 tôm hùm bông/lồng nuôi nhưng tại thời điểm kiểm tra có những lồng nuôi đến 250 con, làm tốc độ dòng chảy kém và cản trở sự lưu thông nước. Cùng với đó là môi trường nước cuối năm 2016 bị ngọt hóa, tôm yếu nên vi khuẩn dễ tấn công gây bệnh và lây lan mạnh” - ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, phân tích.
Cũng theo ông Phương, hiện sở này đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng nuôi tôm hùm bị bệnh, hướng dẫn người dân tiêu hủy tôm hùm chết đúng quy định, không vứt xác ra môi trường tự nhiên để tránh lây lan. Tăng cường công tác kiểm dịch đối với tôm hùm giống nhập khẩu từ nước ngoài vào Phú Yên. Sở này cũng yêu cầu Chi cục Thủy sản Phú Yên phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu di chuyển số lồng nuôi tôm hùm đến các vùng có môi trường nước thuận lợi, không nhiễm khuẩn, đồng thời hướng dẫn người dân giãn mật độ nuôi tôm để tránh lây lan ra diện rộng. Tập huấn người dân các biện pháp phòng trừ bệnh sữa theo phác đồ được Bộ NN-PTNT phổ biến.
Dần chuyển sang nuôi tôm hùm xanh
Ông Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, cho biết trước tình hình dịch bệnh trên tôm hùm bùng phát, người dân đang chuyển dần sang nuôi tôm hùm xanh thay vì nuôi tôm hùm bông như trước đây. Tôm hùm xanh tuy có trọng lượng nhỏ hơn, giá bán cũng thấp hơn nhưng ít xảy ra dịch bệnh so với tôm hùm bông. Hiện 70% lồng bè nuôi ở TP Cam Ranh là tôm hùm xanh.
“Theo đánh giá chung thì tôm hùm xanh có khả năng kháng bệnh tốt hơn tôm hùm bông. Người nuôi tôm nên có những tính toán phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất” - ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, lưu ý.