Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Long An, đến cuối tháng 12/2017, các huyện vùng Đồng Tháp Mười có trên 631ha ao ương cá giống. Chỉ riêng tại huyện Tân Thạnh, diện tích ao ương cá giống tăng từng ngày. Xã Tân Hòa có hơn 50 hộ SX trên diện tích ao ương 50ha; xã Nhơn Ninh cũng có 18 hộ với 21ha ao ương...
Ông Lê Văn Dấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX thủy sản Tân Hòa chia sẻ: Người miền Tây có câu vè “Giàu nuôi cá, khá nuôi heo, nghèo nuôi vịt đẻ”. Để nuôi cá đầu tư rất cao, tiền đào ao 100 triệu đồng/ha; tấm bạt giáp vòng bờ và hệ thống cấp thoát nước khoảng 30 triệu/ha. Giống cá bột thì tùy theo giá cả thị trường, hiện giá 5 - 6 triệu đồng/1 triệu con bột.
Tùy theo thời tiết, môi trường và chất lượng con giống mà thu hoạch. Trung bình lượng cá giống đạt 10% lượng cá bột thả là đã thành công. Với 30 - 35 con/kg thì thu được hơn 20 tấn/ha. Giá thu mua loại 30 con/kg là 60.000 - 70.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư khoảng 20.000 đồng/kg cá, người nuôi kém chỉ đạt 10 tấn/ha thì lợi nhuận cũng đạt cả trăm triệu. Nếu trồng lúa thì phải 5 - 7ha mới được mức thu nhập đó. Đó chính là lý do bùng phát nuôi cá tra bột tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười".
Cá tra giống loại 30 con/kg đang hút hàng
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, mọi năm thời điểm này giá cá tra giống 30.000 đồng/kg là đã “ngon”. Tháng 4 năm rồi, cá giống chỉ bán được 21.000 đồng/kg. Mấy hôm nay loại giống 30 con/kg không đủ cung cấp, giá tăng lên 70.000 đồng/kg. Hiện tượng này chưa bao giờ xảy ra.
Ông Hùng cho biết thêm, theo quy luật thị trường thì đến tháng 3,4 giá cá giống sẽ giảm dần cho đến tháng 9, 10 mới tăng lên lại. Việc tìm đầu ra cho tra giống cũng như cá tra thương phẩm không đơn giản. Tổ hợp tác SX thủy sản Tân Hòa đảm bảo ương cá bột thành cá giống đúng quy định, xã đã kết nối doanh nghiệp Vạn Đức thu mua cá tra giống cho các hộ.
Ông Lê Văn Dấn chia sẻ, hiện tượng bùng phát đào ao ương cá giống từng diễn ra vào năm 2011, khi đó giá mua 50.000 đồng/kg loại 30 con/kg. Hiện SX có lợi nhuận trên 50% nên nhiều hộ không có vốn cũng đi vay mượn để đào ao ương cá giống.
Theo số liệu báo cáo từ các huyện Đồng Tháp Mười, đến ngày 27/12/2017 đã có thêm 433 hộ ương với diện tích 633,09ha. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Hưng (5 xã với 408 hộ) diện tích ao ương tăng 593,99ha.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, PGĐ Sở NN-PTNT Long An cho biết, trước tình hình bùng phát đào ao ương cá bột thành cá tra giống, Sở đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương thu thập số liệu và đánh giá. Nhìn chung là diện tích đào ao nằm trong vùng quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được tỉnh phê duyệt từ 2016.
Nguồn nước cấp và thải chưa ảnh hưởng diện tích lúa xung quanh, ao nuôi nằm gần sông, kênh nên thuận lợi quá trình cấp thoát nước. Cá bột được mua từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp sau đó ương cá giống cho các hộ nuôi thương phẩm tại địa phương.
Đáng lo ngại là hầu hết ao ương mới đều do người từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp sang thuê đất để sản xuất, đa phần chưa có kinh nghiệm, chưa biết các quy định pháp luật về việc sử dụng đất trồng lúa sang nuôi thủy sản, quản lý giống thủy sản, TĂCN, thuốc thú y thủy sản và vật tư nuôi trồng thủy sản.