Nguồn lợi thuỷ sản ngày một cạn kiệt, lao động nghề biển ngày một khan hiếm, thiên tai, thời tiết bất thường, giá cả đầu vào phục vụ nghề khai thác tăng cao…, để phát triển trong bối cảnh khó khăn bủa vây ấy không cách nào khác ngư dân cần liên kết với nhau để cũng chia sẻ, quản lý ngư trường, hỗ trợ nhau trong quá trình mưu sinh trên biển.
Vai trò quan trọng và những đóng góp to lớn của nghề khai thác trong sự phát triển kinh tế chung của tỉnh là điều không phải bàn cãi. Đội tàu hơn 4.900 chiếc hoạt động trải dài từ Đông sang Tây của tỉnh hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 200.000 tấn thuỷ sản các loại. Không chỉ vậy, đây còn là lực lượng quan trọng tham gia và khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước.
Trước sự đóng góp to lớn của nghề khai thác cho nền kinh tế của tỉnh cũng như trong giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền trên biển, Dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất trên biển giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau” được tỉnh triển khai nhân rộng. Sau bao nỗ lực của các ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương, đến nay đã có hơn 21 tổ, đội liên kết trên biển được hình thành, với 337 phương tiện tham gia, chuyển từ hoạt động khai thác tự do vì lợi nhuận cá nhân sang khai thác có trách nhiệm.
Là gia đình có 2 thế hệ sống dựa vào nguồn lợi trên biển, ngư dân Lê Quốc Khởi, Khóm 7, thị trấn Sông Đốc thấu hiểu những khó khăn của nghề này. Anh chia sẻ, hiện nay chuyện ra khơi thua lỗ mỗi con nước vài chục đến 100 triệu đồng là bình thường. Gần 20 năm cầm tàu khai thác đến nay, số lượng chuyến biển thua lỗ không sao nhớ nổi, có những giai đoạn tưởng chừng phải nằm bờ.
Giá dầu, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nghề khai thác như ngư lưới cụ, nước đá, lao động… mỗi ngày một tăng, trong khi nguồn lợi ngày một giảm, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao là nguyên nhân khiến không ít ngư dân lâm cảnh nằm bờ, thậm chí chấp nhận bán tàu, bỏ nghề. “Trong bối cảnh khó khăn bủa vây ấy, việc liên kết thành tổ, đội như phao cứu sinh cho ngư dân. Kể từ khi liên kết, nghề khai thác của gia đình dần ổn trở lại”, anh Khởi trần tình.
Đã hơn 3 năm tham gia tổ khai thác an toàn, anh Khởi nhận thấy được những lợi ích của hoạt động này. Tiêu biểu như giảm được chi phí trong quá trình đánh bắt; đặc biệt là nhiên liệu, hàng hoá được mua bán trên biển thông qua đội tàu hậu cần, nhờ thế, không chỉ giảm được chi phí tiền dầu ra vào, chi phí nước đá để bảo quản, mà chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn. Sau khi tham gia vào tổ đội, hiệu quả khai thác được nâng lên đáng kể, lợi nhuận trong khai thác cũng cao hơn.
Cũng là thành viên tham gia tổ khai thác an toàn hơn 3 năm qua, anh Hồ Chí Nguyện, Khóm 7, thị trấn Sông Đốc, phân tích rõ hơn hiệu quả của việc liên kết khi đưa ra một vài con số cụ thể để minh chứng. Anh Nguyện cụ thể: Chỉ riêng việc di chuyển ra vào tiếp nguyên liệu, bán hàng hoá và hoạt động chạy tìm luồng cá, mỗi tàu khai thác xa bờ có thể tiết kiệm vài trăm đến 1.000 lít dầu, tuỳ công suất và ngư trường khai thác.
Một hiệu quả đặc biệt mà tổ đội khai thác trên biển mang lại cho ngư dân là, khi gặp bão tố ngoài khơi có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong việc cứu hộ, cứu trợ. Thời gian qua, không ít trường hợp tàu gặp nạn trên biển được các đội tàu khai thác cứu hộ, từ đó đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân. Chính vì vai trò quan trọng này nên việc củng cố kịp thời đội tàu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển là 1 trong 14 giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Nói về vấn đề này, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết, đang tiếp tục rà soát thành viên đội tàu tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, từ đó đưa ra khỏi danh sách những phương tiện không còn đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, xem xét bổ sung các phương tiện mới. Song song đó, đầu tư hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về tìm kiếm cứu nạn trên biển cho các thành viên.
Các buổi tập huấn không chỉ chú trọng hướng dẫn ngư dân kỹ năng cơ bản về tìm kiếm cứu nạn trên biển, mà song song đó là tuyên truyền những quy định về khai thác thuỷ sản, vùng khai thác, kích cỡ mắt lưới, đặc biệt là khai thác vi phạm các vùng biển nước ngoài. Anh Khởi cho biết thêm, không phải thuyền trưởng nào cũng biết được toạ độ nào vi phạm vùng biển nước ngoài, hay có trường hợp mải mê đuổi theo luồng cá mà vô tình vi phạm. Do đó, bên cạnh việc phát cảnh báo từ thiết bị giám sát hành trình của cơ quan quản lý, sự nhắc nhở và cảnh báo nhau của các tàu khai thác gần nhau vô cùng quan trọng.
Trước tình trạng giá cả có nhiều biến động và nguồn lợi thuỷ sản giảm như hiện nay, việc tổ chức liên kết làm ăn ngay trên biển là hướng đi mới. Nó không chỉ giúp như dân tiết kiệm thời gian, kinh phí, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai và rủi ro trên biển..., quan trọng hơn hết là giúp ngư dân nâng cao ý thức thông qua việc giám sát lẫn nhau để tiến tới nghề khai thác có trách nhiệm với nguồn lợi, với môi trường và cả thế hệ con cháu sau này.