Công ty Viglacera Từ Sơn (mã chứng khoán VTS) là một trong số ít doanh nghiệp niêm yết đặt mục tiêu hòa vốn năm nay, khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 0 đồng. Chỉ tiêu này đã được cổ đông thông qua. Năm ngoái công ty lãi 591 triệu đồng.
Năm 2013, các khoản mục như: trị giá thành phẩm tồn kho, khấu hao cơ bản tài sản cố định, các khoản phải thu, lao động bình quân của VTS đều giảm so với 2012. Trong đó, chỉ tiêu trị giá thành phẩm tồn kho điều chỉnh mạnh nhất, tới 75%. Ngược lại, doanh thu dự kiến tăng lên 22% nhưng vẫn không giúp công ty duy trì mức lãi như 2013.
Để thúc đẩy khả năng sinh lãi, đại hội cổ đông đã thống nhất Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban quản lý vận hành năm 2013 có lợi nhuận sẽ được thưởng 10% lợi nhuận trước thuế và thưởng thêm 30% giá trị phần vượt nếu đạt lãi vượt 1 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (mã chứng khoán PXT), một kế hoạch dè dặt được đặt ra cho năm nay. PXT dự kiến lãi trước thuế chỉ 7 tỷ đồng, chưa bằng một phần ba lợi nhuận đạt trong năm 2012 là gần 25 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu cũng lùi một chút so với năm ngoái, kỳ vọng có 620 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông 2013, công ty sẽ trình đại hội duyệt chỉ tiêu giá trị sản lượng (660 tỷ đồng), khoản mục đầu tư (41,42 tỷ đồng) và lương nhân viên (6,64 triệu đồng một người một tháng), theo như con số đã được Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam thông qua trước đó.
Vẫn tự tin vào khả năng tăng trưởng, Công ty cổ phần Thế Giới Số Trần Anh (mã chứng khoán TAG) dự kiến khoản lãi trong năm nay sẽ cao hơn 2012. Không tiết lộ mức tăng trưởng bao nhiêu nhưng lãnh đạo công ty cho biết nó chỉ ở mức khiêm tốn. Công ty tăng thị phần bằng cách mở siêu thị mới. Thay vì có 4 siêu thị như hiện nay, Trần Anh sẽ nâng lên 10.
Theo ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản kiêm Tổng giám đốc TAG, khó khăn lớn nhất của Trần Anh trong năm qua là sức mua toàn thị trường giảm mạnh, chi phí tăng cao khiến lợi nhuận giảm. Doanh thu năm 2012 tăng 3-5% so với năm 2011, nhưng lợi nhuận chỉ bằng 50%.
Năm 2012 cũng không dễ thở chút nào đối với doanh nghiệp thủy sản. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin đối với các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ mức 30% lên 100% khiến cho nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về.
Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) cũng nằm trong tình trạng này. Bà Dương Ngọc Kim, Phó tổng giám đốc FMC cho biết, lượng hàng xuất khẩu của công ty sang thị trường Nhật là 40%. Năm qua Nhật kiểm soát quá gắt nên lượng hàng bị trả về nhiều. Chính vì thế, lợi nhuận sau thuế của FMC trong năm 2012 chỉ ở mức 5 tỷ đồng, trong khi đó 2011 lên tới 27 tỷ đồng, tức giảm 80%.
Bà Kim cho hay, 2013 FMC không dám chắc mức lợi nhuận sẽ tăng mạnh do các hợp đồng với Nhật sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn. Trước đây, nước nhập khẩu chỉ kiểm 4 chất, nay tăng lên 5-6 chất, khiến cho chi phí kiểm tra tăng. Để giảm được chi phí đồng thời đảm bảo chất lượng tôm, 2013 công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm nhà máy, khu vực nuôi tôm riêng để phục vụ sản xuất, giữ thị trường xuất khẩu.
Lý giải nguyên nhân các công ty thận trọng đặt kết quả 2013, ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia phân tích tài chính độc lập cho biết, có lẽ sức đề kháng của doanh nghiệp đã bị kinh tế 2012 lấy đi một phần. Bên cạnh đó, họ thấy 2013 kinh tế vẫn còn khó khăn nên chọn hướng đi cầm cự để an toàn.
"Hiện nay tình trạng chung của doanh nghiệp Việt là không hấp thụ được vốn. Thế nên Việt Nam cứ bơm tiền ra là lụt, hút tiền vào là khô", ông Luân chia sẻ. Ngoài ra, môi trường kinh doanh của Việt Nam thiếu cạnh tranh, nguồn vốn đang chạy vào những nơi kinh doanh không hiệu quả.
Ông Luân khuyên, những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nên tìm rõ nguyên nhân để xử lý tận gốc, đồng thời tái cấu trúc lại bộ máy hoạt động cho phù hợp với xu thế của nền kinh tế. Một khi, bộ máy hoạt động vững chắc, doanh nghiệp sẽ lên như diều gặp gió.
Riêng những doanh nghiệp muốn chuyển hướng kinh doanh nên cân nhắc xem liệu đó có phải là lợi thế của mình, tránh trường hợp một anh chuyên làm thực phẩm mà đòi mở trường đại học, anh làm khoáng sản lại đi mở khách sạn là không tưởng, ông Luân nói.