Vô vàn khó khăn
Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng GĐ Cty CP thủy sản Gò Đàng (KCN Mỹ Tho, Tiền Giang) - chua chát: “Cty chúng tôi bị áp thuế 1,81USD/kg - dù chưa phải cao nhất trong 17 DN bị đơn, song mức thuế trên là quá khả năng nên không thể nào theo nổi. Giải pháp của Gò Đàng là tạm ngừng không xuất hàng sang Mỹ nhằm tập trung cho thị trường EU, đây cũng là thị trường lớn của cá tra Việt Nam”. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phấn - Tổng GĐ Cty CP chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh (Cần Thơ) - phân tích: “Ai cũng thấy thị trường Mỹ giá cao nên rất hấp dẫn, tuy nhiên đây là thị trường khó lường. Do đó, thời gian qua Cty Hiệp Thanh không chủ trương đưa sản phẩm cá tra philê nhiều vào Mỹ để không phụ thuộc vào thị trường này. Mục tiêu kinh doanh của Hiệp Thanh là đa dạng các thị trường XK cá tra, và hiện tại Cty đẩy mạnh đưa sản phẩm sang các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Nga, Nam Mỹ...”.
Còn lãnh đạo Cty CP thủy sản Nam Việt (An Giang) cho rằng, nếu mức thuế quá cao lần này không thay đổi, thì làn sóng DN thủy sản rời bỏ thị trường Mỹ sẽ rất lớn. Khi đó, không loại trừ đối tác nước ngoài lợi dụng cơ hội này để ép giá cá tra Việt Nam. Đây là vấn đề cần được cảnh báo trước ngay từ lúc này, để tìm ra hướng xử lý thích hợp nhằm tránh cá tra bị hệ lụy dây chuyền.
Cần tỉnh táo
Ông Võ Văn Đệ - hộ nuôi cá lâu năm ở phường Thuận An (Thốt Nốt - Cần Thơ) - lo lắng: “Đã 2 năm liên tục người nuôi cá tra bị lỗ nặng, hết vốn đầu tư, ao đầm bỏ phế rất nhiều. Hiện tại giá cá tra ở ĐBSCL duy trì mức thấp, chỉ 21.000 - 22.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 2.000-3.000 đồng/kg. Nghề nuôi cá chưa được vực dậy thì nay bị “bồi” thêm vụ tăng thuế từ Mỹ, khiến người nuôi như ngồi trên lửa. Có thể nói, giá cá tra nguyên liệu tăng hay giảm đều phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Do đó, nhiều hộ nuôi cá đang rất lo và chờ mong các ngành chức năng, doanh nghiệp... có hướng tháo gỡ hợp lý, tìm hướng đi mới bền vững cho con cá tra”.
Theo sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL, nghề cá tra đang xuống dốc nhưng không vì thế mà bi quan; bởi cá tra vẫn là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì vậy, cần phải bình tĩnh đối phó với vụ tăng thuế từ Mỹ cũng như mở rộng các thị trường tiêu thụ khác một cách hợp lý, bài bản. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra trên thế giới khá lớn, các ngành chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp... cần tỉnh táo để biến “rủi thành may”, tiếp tục đưa cá tra “bơi xa” hơn ra thế giới.