Để thích ứng với thị trường này trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải chủ động đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trường nhập khẩu.
Đó là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Hài hòa hóa quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y dịch tễ của Việt Nam với quy định của EU: Khuyến nghị đối với ngành thủy hải sản Việt Nam” do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/6.
Theo tiến sỹ Claudio Dordi, Trưởng nhóm Tư vấn Kỹ thuật Dự án EU-MUTRAP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có thể ký trước mùa hè năm nay.
Hàng loạt thuế quan được cắt giảm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà xuất khẩu, do đó, sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh lớn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải thích ứng với các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh và chất lượng hàng hóa, bởi các điều kiện này sẽ không giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động xem lại các quy định này để đáp ứng đúng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Thị trường EU hiện là thị trường tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Thủy sản Việt Nam cũng được EU công nhận và xếp vào nhóm 1 từ năm 2000.
Cùng với lượng hàng xuất khẩu sang các nước EU liên tục tăng vọt thì cũng có không ít lô hàng bị cảnh báo và trả về.
Cụ thể, năm 2002 Việt Nam chỉ có 26 sản phẩm bị các nước EU cảnh báo mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đến năm 2012 con số này lên đến 64 sản phẩm.
Theo thống kê mới nhất, từ năm 2010 đến hết tháng 5, Việt Nam có 183 lô hàng thủy sản bị cảnh báo, trong đó năm 2010 có 13 lô bị cảnh báo, năm 2014 con số này ở mức 41 lô, chiếm 31% tỷ lệ hàng xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đa số các lô hàng thủy sản bị cảnh báo đều không đạt tiêu chuẩn vật lý, hóa học, sinh học. Trong đó, tổng số lô hàng không đạt tiêu chuẩn về sinh học chiếm tỷ lệ cao.
Ngoài các tiêu chuẩn chi tiết về sản phẩm thủy sản xuất khẩu thì một yêu cầu khắt khe chung đang đặt ra.
Các nước EU đều nhập khẩu theo chuẩn chung là GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) nhưng hiện nay sản phẩm thủy sản của Việt Nam chỉ mới đạt chuẩn VietGAP. Đây là vấn đề khó buộc nhà xuất khẩu phải đáp ứng tốt, nếu không dễ bị thị trường nhập khẩu “sa thải.”
Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, Hội nghề cá Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đảm bảo các kiểm soát mà các nước đưa ra. Cụ thể, sản xuất nguyên liệu, kiểm soát dư lượng chất độc, kiểm soát vùng thu hoạch, thu mua-chế biến, ghi nhãn…
Trước yêu cầu khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu các nhà quản lý mong muốn, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thay đổi thói quen sản xuất và kinh doanh nhằm tạo sự tin tưởng không chỉ riêng thị trường EU.
Theo đó, không chỉ tuân thủ quy tắc mà doanh nghiệp phải tăng thêm giá trị cho sản phẩm nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiến sỹ Claudio Dordi lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần chú trọng tăng cường việc ghi nhãn xuất sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như thương hiệu sản phẩm thủy sản xuất xứ Việt Nam.
Đây cũng là lý do mà hiện nay hầu hết sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được đóng gói tại nước nhập khẩu với tên khác. Điều này đang tạo ra mức giá mới nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không được hưởng lợi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam hiện thấp hơn so với EU. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật tại các thị trường nhập khẩu.
Do vậy, cần hiểu rõ quy định SPS và hệ thống quản lý của EU để xây dựng lộ trình cho một hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới cùa Việt Nam phù hợp với thông lệ của EU nói riêng và quốc tế nói chung, qua đó tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU.
Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm phân tích các thiếu hụt giữa quy định SPS của Việt Nam so với EU, từ đó đề ra các khuyến nghị nhằm giúp hài hòa hóa quy định của hai bên, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam có thể tiếp cận bền vững vào thị trường EU.
Sau hội thảo, các chuyên gia dự án EU-MUTRAP sẽ soạn thảo một báo cáo mô tả hệ thống và chính sách SPS của EU cũng như phân tích thiếu hụt trong quy định của Việt Nam để khuyến nghị cho những thay đổi trong thời gian tới./.