Mô hình kinh doanh B2B và B2C
Giao dịch thương mại thủy sản tại châu Âu vượt 140 tỷ EUR hàng năm với mạng lưới 140.000 doanh nghiệp. Trong suốt chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn, một sản phẩm thường được “đổi chủ” khoảng 7 lần. Đôi khi phải mất ít nhất 3 ngày lưu thông, các sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng số hóa để đẩy nhanh quy trình và giảm chi phí.
Cần kể đến mô hình kinh doanh B2B – trực tuyến giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Các cổng thông tin B2B kết nối người mua và bán khắp nơi trên thế giới, cho phép giao dịch vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Không giống các cửa hàng truyền thống, các nền tảng kỹ thuật số loại bỏ nhu cầu gặp gỡ tại địa điểm và thời gian cụ thể. Những thị trường không thể tiếp cận trước đây, nay đã mở cửa nhờ không giao ảo của giao dịch trực tuyến toàn cầu. Ngoài ra, kết nối trực tuyến giữa nhà cung cấp và người mua cho phép vận chuyển sản phẩm tươi, đông lạnh hoặc chế biến đến điểm cuối cùng, bỏ qua các trung gian. Sử dụng internet cho các giao dịch thương mại giúp tăng cường tính minh bạch và đơn giản hóa mọi yêu cầu về tài liệu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản tại thị trường châu Âu.
Nhưng kinh doanh thủy sản B2B cũng đối mặt thách thức đáng kể khi hầu hết dự án kỹ thuật số thương mại ban đầu gặp khó khăn hoặc thất bại. Theo ước tính từ thị trường trực tuyến Yorso của Nga, vài năm trước, chưa đến 0,7% doanh số bán hải sản được thực hiện trực tuyến thông qua nền tảng B2B. Mặc dù thị phần của nền tảng giao dịch kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ tăng nhưng một số người mua và bán vẫn lưỡng lự do ngờ vực sự thiếu minh bạch từ phía nguồn cung.
Một số nhà cung cấp châu Âu lựa chọn tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng thông qua mô hình B2C. Thay vì đi mua cá và hải sản từ siêu thị hoặc kênh bán lẻ, dân châu Âu có thể được giao hàng tận nhà thuận tiện và kịp thời. Các nhà cung cấp dịch vụ B2C từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng gồm Amazon, Alibaba, eBay, Airbnb, Uber, Menulog, Wotif, hoặc Expedia đang không ngừng mở rộng.
Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của B2C tại châu Âu còn khá hạn chế, đặc biệt tại Đan Mạch, Đức, Estonia và Tây Ban Nha do yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, giao dịch tài chính và an toàn dữ liệu. Ngoài ra, công tác hậu cần phức tạp liên quan đặt ra thách thức đáng kể bởi cung cấp thực phẩm tươi sống đến tận tay khách hàng không đơn giản. Ngay cả những nền tảng có kinh nghiệm như Amazon, từng giới thiệu AmazonFresh vào năm 2007, cũng gặp khó khăn về vấn đề này. Do đó, nhiều nhà cung cấp đã giới hạn dịch vụ ở một số khu vực cụ thể như các thành phố lớn.
Thay vì đi mua cá và hải sản từ siêu thị hoặc kênh bán lẻ, dân châu Âu có thể được giao hàng tận nhà thuận tiện và kịp thời
Triển vọng hứa hẹn khi minh bạch giao dịch
Người mua hàng ở châu Âu luôn yêu cầu sự minh bạch trong mọi giao dịch. Yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bất kỳ hoạt động bán hàng trực tuyến nào luôn là niềm tin. Các công ty vẫn trụ vững trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến gồm các eWorldTrade, SeaFoodDe- mand, Seafood Xchange, Made- In-China, G-Fresh, Procsea, Meatex.Co, HKDTC, DHGate và Alibaba.
Bất chấp khó khăn, các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử vẫn tiếp tục hấp dẫn trong giao dịch thủy sản, và dự kiến còn phát triển hơn nữa trong tương lai. Hiện, không chỉ các sàn giao dịch mà nhiều công ty chế biến đang mạo hiểm thâm nhập vào thị trường thủy sản trực tuyến ở châu Âu để bỏ qua trung gian và tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng. Tiếp thị qua internet cũng mang lại cơ hội quý giá cho doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp phục vụ thị trường ngách.
Mô hình kinh doanh thủy sản trực tuyến vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu với các nền tảng như Syunzai (Nhật Bản, 2009), Yorso (Nga, 2014), Gfresh (Trung Quốc, 2015), InterFishMarket (Thụy Sĩ, 2016), ProSea (châu Âu, 2016) và TunaSolutions (Australia, 2017). Gần đây, một loạt nhà cung cấp trẻ xuất hiện khiến thị trường châu Âu sôi động hơn, gồm ShoreTrade (Australia), Seafood Souq (UAE), Marine Fish Trade (Na Uy), và Seafoodportal (Na Uy). Thành công lâu dài và vị thế trên thị trường của những nền tảng này khó dự đoán. Tuy nhiên, những mô hình bán hàng như vậy vẫn được kỳ vọng một tương lai đầy hứa hẹn.
Số hóa đã phát triển trong nuôi trồng và khai thác
Châu Âu đã đạt được những tiến bộ số hóa trong nuôi trồng và khai thác thủy sản bằng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Trong nuôi trồng thủy sản, các nền tảng phân tích dữ liệu giúp tối ưu hóa sản xuất, giám sát tăng trưởng và sức khỏe của tôm cá, giảm thiểu sức lao động và chi phí sản xuất.
Ví dụ, XpertSea sử dụng hệ thống nhận dạng hình ảnh để phát hiện tốc độ tăng trưởng và đánh giá sức khỏe của tôm. Smart Feeder của e-fishery, một hệ thống cho ăn tự động, thu thập dữ liệu quan trọng về sự phát triển của cá và điều chỉnh mô hình cho ăn phù hợp. AquaByte theo dõi lây nhiễm và phát triển của rận biển trong trại cá hồi qua AI; trong khi Aquacloud dùng cảm biến độ phân giải cao từ IoT để thu thập dữ liệu và truyền đến các thiết bị khác trong mạng lưới. Máy bay không người lái Deep Trekker quản lý lưới của lồng nuôi cá ngoài khơi ở độ sâu lên tới 100 m. Ngoài ra, nền tảng công cụ lập bản đồ Aquascape hỗ trợ người nuôi tôm giám sát chất lượng nước và phát hiện đợt bùng phát dịch bệnh tiềm ẩn trong ao nuôi.
Các nền tảng kỹ thuật số cũng góp phần “cách mạng hóa” lĩnh vực khai thác cá. Ứng dụng SkyTruth và SnapIT sử dụng vệ tinh, AI và hệ thống đám mây để giám sát tàu cá trên biển. Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) góp phần đẩy lùi nạn đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU). Trong một số trường hợp, công nghệ theo dõi tàu và nền tảng thu thập dữ liệu được tích hợp vào chuỗi cung ứng, giúp truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh. Cùng đó, các hệ thống nhận dạng hình ảnh tiên tiến như FishFace chạy trên nền tảng AI giúp xác định từng loài cá, kích thước và chất lượng của chúng. Tương tự, TunaScope và GoMicro là công cụ mạnh mẽ giúp phân loại cá ngừ dựa trên nhiều tiêu chí chất lượng khác nhau.