Số liệu chi tiết toàn ngành
Đến hết tháng 12/2024, tổng sản lượng thủy sản 9,609 triệu tấn, đạt 104,2% kế hoạch, tăng 2% so với năm 2023 (9,379 triệu tấn). Trong đó, khai thác 3,855 triệu tấn, vượt 8,9% kế hoạch, tăng 0,6% so với năm 2023 (3,832 triệu tấn), không đạt chỉ tiêu đề ra là giảm còn 3,54 triệu tấn; nuôi trồng 5,753 triệu tấn, vượt 1,03% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2023 (5,546 triệu tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10,07 tỷ USD, đạt 106% kế hoạch, tăng 12,1% so với năm 2023 (8,98 tỷ USD).
Nuôi trồng diện tích 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,7 triệu m3 lồng biển (cơ bản bằng năm 2023).
Trong đó, nuôi nước lợ 920 nghìn ha, sản lượng 1,724 triệu tấn, tăng 1,5%. Gồm tôm nước lợ 737 nghìn ha, cơ bản như năm 2023 (tôm sú 622 nghìn ha, thẻ chân trắng 115 nghìn ha), sản lượng 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so năm 2023 (tôm sú 284 nghìn tấn, thẻ chân trắng 980 nghìn tấn); xuất khẩu 3,856 tỷ USD, tăng 14% so năm 2023.
Nuôi cá biển trong ao và hỗn hợp khác 183 nghìn ha, sản lượng 410 nghìn tấn.
Nuôi nước ngọt 380 nghìn ha, sản lượng 3,197 triệu tấn, tăng 4,6%. Gồm cá tra 5.700 ha, bằng năm 2023, sản lượng 1,787 triệu tấn, tăng 4,3% so với năm 2023 (1,713 triệu tấn); xuất khẩu 1,877 tỷ USD, tăng 10,1% so năm 2023. Cá rô phi 30 nghìn ha với sản lượng 300 nghìn tấn, tương đương năm 2023. Nuôi hỗn hợp và thủy sản khác khoảng 344 nghìn ha, sản lượng 1,11 triệu tấn, tăng 6,4% so năm 2023 (1,044 triệu tấn).
Nuôi biển gồm 9,7 triệu m3 lồng, tăng 2,1% (4,5 triệu m3 lồng nuôi cá biển, 5,2 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm) và 58 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Sản lượng 832 nghìn tấn, tăng 5% so năm 2023 (789 nghìn tấn), gồm cá biển 48 nghìn tấn, tôm hùm 4 nghìn tấn, nhuyễn thể 460 nghìn tấn, đối tượng khác 320 nghìn tấn.
Về khai thác đạt sản lượng 3,855 triệu tấn. Gồm khai thác biển 3,644 triệu tấn, tăng 0,5% so năm 2023 (3,627 triệu tấn); nội địa 210,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so năm 2023 (205 nghìn tấn).
Sản xuất giống và thức ăn
Cả nước có 7.392 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (2.731 cơ sở phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản; 4.661 cơ sở thuộc diện quản lý điều kiện, chất lượng). Tổng sản lượng sản xuất 389,8 tỷ con (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023 là 383 tỷ con).
Cụ thể một số đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tôm nước lợ 159 tỷ con giống (thẻ chân trắng 109,8 tỷ con, sú 49,2 tỷ con), tăng 3,6% so năm 2023. Cá tra bột 30 tỷ con (tăng 7% so năm 2023), cá giống 4,02 tỷ con (tăng 3,2% so năm 2023). Nhuyễn thể 190,30 tỷ con (bằng 99% năm 2023), chủ yếu là ngao, hàu Thái Bình Dương.
Cá biển 243,6 triệu con giống (sản xuất 146 triệu, ương dưỡng 97,6 triệu), tăng 15% so năm 2023. Cá rô phi/điêu hồng 1,09 tỷ con, bằng 83% năm 2023. Đối tượng bản địa, truyền thống 2,43 tỷ giống (tương đương 16,2 tỷ con bột), bằng 95,3% năm 2023.
Về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Cả nước có 155 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp (35 cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm nước lợ, 120 cơ sở sản xuất thức ăn cho cá và các đối tượng khác). Sản xuất trong năm 2024 khoảng 5,39 triệu tấn (1,4 triệu tấn cho tôm, 2,02 triệu tấn cho cá tra, 1,97 triệu tấn cho thuỷ sản khác).
Cơ sở dữ liệu thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản có 2.178 tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản. Năm 2024 tiếp nhận 1.740 mã sản phẩm (243 mã sản phẩm nhập khẩu, 1.497 mã sản phẩm sản xuất trong nước) và tổng cộng đến nay tiếp nhận 45.627 mã sản phẩm (4.314 mã sản phẩm nhập khẩu, 41.313 mã sản phẩm sản xuất trong nước). Cũng đã có 2.412 sản phẩm sản xuất trong nước ngừng sản xuất, 99 sản phẩm nhập khẩu ngừng kinh doanh.
Quản lý khai thác và xác nhận nguồn gốc
Tổng số tàu cá hiện nay 85.980 chiếc; gồm tàu từ 6-12m là 39.867 chiếc, từ 12-15m là 16.561 chiếc, từ 15-24m là 27.022 chiếc, trên 24m là 2.530 chiếc.
Các địa phương cấp 29.552 giấy phép cho tàu khai thác vùng khơi. Gồm 27.132 tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản và 2.417 tàu hậu cần đánh bắt.
Năm 2024 công bố mở 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật (3 cảng loại I, 60 cảng loại II và 17 cảng loại III), 53 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, 62 cảng cho tàu cá vùng khơi cập cảng. Bên cạnh, 74 khu neo đậu tránh trú bão với sức chứa 47.000 tàu cá.
Số lượng tàu khai thác nhiều và sản lượng khai thác năm 2024 vượt 8,9% kế hoạch, tăng 0,6% so năm 2023, đạt sản lượng 3,855 triệu tấn là một thách thức lớn với mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 giảm khai thác còn 2,8 triệu tấn
Trong năm 2024 cấp 2.501 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản với khối lượng 27.697 tấn, giảm 949 giấy với khối lượng 12.770 tấn (giảm 31,55%) so với năm 2023. Trong đó cấp giấy chứng nhận vào thị trường EC 2.053 giấy với khối lượng 21.866 tấn. Bên cạnh, cấp 2.664 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác với khối lượng 45.926 tấn, giảm 137 giấy với khối lượng 19.894 tấn (giảm 30,22%) so với năm 2023.
Có thể thấy, năm 2024, khai thác tăng 0,6% so năm 2023, đạt sản lượng 3,855 triệu tấn nhưng số lượng giấy chứng nhận nguồn gốc và nguyên liệu thủy sản khai thác lại giảm là rất đáng quan tâm. Về khối lượng được chứng nhận, chỉ so với sản lượng khai thác biển 3,644 triệu tấn cũng mới đạt tỷ lệ rất nhỏ.
Một số tồn tại, hạn chế đáng quan tâm
Sản lượng khai thác thủy sản tiếp tục tăng so với năm 2023 (tăng cao so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra) là một thách thức lớn với mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 giảm khai thác còn 2,8 triệu tấn.
Thẻ vàng của EC vẫn chưa được tháo gỡ gây khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.
Chi phí sản xuất vẫn cao; công tác bảo quản sản phẩm chưa cải thiện, hiệu quả của hoạt động khai thác còn thấp. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa được nhiều để nâng cao giá trị thủy sản. Liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa được chặt chẽ.
Hạ tầng nhiều vùng nuôi chưa đảm bảo; hệ thống cung cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thiếu phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.