Chiều 30/5, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad - Bộ NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị góp ý văn bản quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thuỷ sản xuất khẩu với sự tham của nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP).
Hội nghị được tổ chức nhằm thống nhất nội dung góp ý của các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cho các dự thảo thông tư thay thế Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT quy định kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm thuỷ sản và quyết định kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho biết, ý kiến của hiệp hội yêu cầu thay đổi các điều 21, 22 và phụ lục 9 của dự thảo, trong đó Vasep đề nghị cần thay đổi cách tiếp cận; xem xét thêm các quy định này của Thái Lan, Mỹ, EU và xây dựng một “chương trình thẩm tra sản phẩm”.
Theo đó, các tiếp cận đề nghị là lấy mẫu kiểm nghiệm để thẩm tra theo tần suất “thời gian” chứ không phải theo lô hàng xuất khẩu, vì vậy Vasep đề nghị là 3 tháng 1 lần đối với doanh nghiệp loại A, 2 tháng 1 lần đối với doanh nghiệp loại B. Theo Vasep, khi đó trong quá trình thực hiện sẽ không gọi là doanh nghiệp “ưu tiên” hay “kiểm tra giảm” mà đề nghị đổi thành “Danh sách cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu” bao gồm doanh nghiệp đạt loại A và loại B.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp tham gia hội nghị, Cục vừa kiểm nghiệm lô hàng xuất khẩu để cấp chứng thư vệ sinh (một yêu cầu bắt buộc để làm thủ tục xuất khẩu), vừa đánh giá kiểm soát điều kiện sản xuất đã tạo nên gánh nặng chi phí cho họ.
Ông Phan Thanh Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hải Việt, chuyên chế biến và xuất khẩu hải sản ở Vũng Tàu cho hay, riêng tiền phải đóng cho các công tác của Nafiqad trong năm 2012 là 3 tỉ đồng. Còn chi phí để ông tự kiểm nghiệm kháng sinh trong hải sản xuất khẩu lên đến 6 tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đây là thời điểm khó khăn của các doanh nghiệp, vì vậy rất cần sự tháo gỡ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Bộ đã ghi nhận những ý kiến đề nghị của doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn và Nafiqad sẽ phải nghiên cứu để hoàn thiện sớm dự thảo thông tư 55 sửa đổi.
“Trong thời gian này Cục cần cố gắng giảm tần suất và số mẫu kiểm tra đối với thủy sản xuất khẩu cho doanh nghiệp, nếu phát hiện vi phạm thì mới cần thiết tăng số lượng mẫu và tần suất kiểm tra”, bà nói./.