Sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nhập khẩu sau đại dịch Covid-19 cùng với biến động về nguồn cung cá thịt trắng từ Nga đã và đang mở đường cho ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc phục hồi và chiếm được nhiều lợi thế trong những quý đầu năm 2022.
Để tiếp tục gia tăng ưu thế cạnh tranh và phát huy những thuận lợi đạt được giai đoạn vừa qua, thách thức lớn nhất cho ngành thủy sản Việt Nam là thiết lập được hệ cân bằng mới: căn bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm; cân bằng giữa sản lượng và chất lượng theo các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe trên thế giới; cân bằng giữa chi phí sản xuất và lợi nhuận thực tế để đảm bảo biên độ lợi nhuận tối thiểu cho toàn chuỗi; cân bằng giữa năng suất, hiệu suất và giới hạn sinh thái để đảm bảo tính bền vững toàn ngành, đặc biệt khi các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường đang và sẽ gây ra những thách thức lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.
Trong đó, việc cung ứng tôm đã có dần khởi sắc, ngoài cung ứng cho các thị trường lớn trong nước như TP.HCM, Hà Nội..., thì thị trường xuất khẩu khó tính như châu Á, châu Âu cũng đang có yêu cầu mới hơn để thích ứng nhu cầu mua sắm.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang có thêm nhiều nguồn cung cho thị trường quốc tế. Ảnh: doanhnhantrevietnam.vn
Theo bà Đỗ Thị Việt Hoa - Trưởng phòng kinh doanh công ty xuất khẩu thủy sản Seaprodex, hiện thị trường châu Âu đang yêu cầu thay đổi kích thước bao bì nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp túi tiền sau kỳ khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19.
“Đối tác yêu cầu đóng gói bao bì nhỏ hơn, giá sẽ thấp hơn trong dịp Noel sắp tới, chủ yếu phục vụ cho các hộ gia đình nhỏ. Ngoài ra, họ yêu cầu có thêm các mặt hàng khác bên cạnh các mặt hàng đang hiện đang cung cấp”, bà Hoa cho biết thêm.
Đối với nguồn cung cấp, nhiều doanh nghiệp cũng ký kết tiêu thụ theo yêu cầu của thị trường hiện hữu. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ kỹ thuật nuôi, hướng dẫn quy trình để tôm thành phẩm đạt chất lượng về màu sắc, kích thước... Song song đó, doanh nghiệp cũng hướng nông dân nuôi tôm thay đổi cách nuôi truyền thống tiến tới nuôi công nghiệp đạt chuẩn quốc tế.
Để tạo nguồn cũng và đáp ứng đầu ra chất lượng, doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang hướng nhà nông thay đổi cách thức nuôi theo hướng hiện đại. Ảnh: doanhnhantrevietnam.vn
Ông Nguyễn Văn Kiên - Phụ trách kinh doanh công ty xuất khẩu thủy sản Thuận Chương cho biết, hiện người nuôi tôm thẻ đa phần nuôi theo công nghệ, còn tôm sú nuôi theo thuần nông theo kiểu ao đất. Tuy nhiên, việc nuôi thuần nông sẽ không quá đạt hiệu quả về sản lượng, chất lượng tiêu chuẩn và người nuôi đang được định hướng thay đổi nuôi theo công nghệ tiên tiến.
“Do việc cải tiến cách nuôi hướng đến thị trường chuẩn xuất khẩu, nên việc đầu tư ban đầu khá cao nên người nuôi thuần nông khá e dè, nhưng hiện công ty cũng vẫn đang giải quyết đầu ra cho người nông dân và đang khuyến khích thay đổi theo mô hình hiện đại”, ông Kiến nói thêm.
Để đạt chuẩn, người nuôi cần đáp ứng yêu cầu như tôm không có kháng sinh, có kích thước chuẩn, sức khỏe tôm tốt. Ngoài ra, nhà nông có thể kiểm soát được môi trường sống, lượng thức ăn, mực độ cá thể của tôm. Nuôi theo công nghệ hiện đại, doanh nghiệp thu mua có thể chủ động yêu cầu nhà nông điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, việc thay đổi hướng đi cho nhà nông sẽ góp phần bình ổn chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu ổn định cho người nuôi và tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữ nguồn cung và cầu. Doanh nghiệp sẽ cập nhật công nghệ mới để phổ biến, áp dụng linh hoạt cho nhà nông theo hướng có lợi nhất...