Cách đây 9 năm, một nhóm các nhà nghiên cứu Trường Đại học Greifswald và Viện Nghiên cứu Max-Planck (nước Đức) tuyên bố: Họ đã phát hiện loài cua lớn nhất thế giới, đặt tên chúng là “Birgus Latro”. Chúng sống trong một khu rừng nguyên sinh trên đảo Giáng sinh trong lòng Ấn Độ dương.
Bấy giờ là vào tháng 12/2008, nhóm nghiên cứu tới hòn đảo này. Công việc của họ là nghiên cứu đời sống của những sinh vật trên một hòn đảo hoang vắng, nơi rất ít có sự tác động của con người. Nhưng, họ không ngờ rằng chính tại đây họ đã “tóm được” loài cua rất to khỏe, chưa từng được ghi nhận.
Câu chuyện xảy ra khi chuyến công tác sắp kết thúc, sau 3 tuần trên đảo. Khi mọi người đã thu dọn hành lý để chuẩn bị đợi trực thăng ra đón thì bất ngờ hai nhà khoa học là Steffen Harzsch và Bill Hansson thấy một loài cua vô cùng đặc biệt.
“Lúc đầu, tôi còn nghĩ đó là một sinh vật còn sót lại từ thời tiền sử, nhưng không hề nghĩ đó là con cua. Nhưng sau khi quan sát kĩ lưỡng, chúng tôi tin rằng mình đã gặp một loài cua độc đáo. Đôi càng “khủng” là dấu hiệu cho thấy chúng chính là cua”- Bill Hansson kể lại.
Thế là chuyến bay trở về phải hoãn lại. Nhóm nghiên cứu tiếp tục ở lại trên đảo. Những con cua Birgus Latro khổng lồ đã níu chân họ.
“Loài cua này chỉ sống trên cạn. Nhưng thật kì lạ là chúng rất thích trèo lên những cây dừa rồi dùng đôi càng cứng như thép của mình “bổ đôi” quả dừa ra. Chúng thản nhiên thưởng thức cả nước dừa lẫn cúi dừa, không hề e sợ bất cứ điều gì”- Steffen Harzsch nói, và cho biết thêm: Nhóm nghiên cứu đã “tóm cổ” được một con Birgus Latro nặng tới 4 kg. “Đó quả là điều không thể tin nếu không chứng kiến tận mắt”- Bill Hansson nói.
Loài cua này được mô tả như sau: hình thù giống như một quả bóng, có 10 chân, mắt đỏ, với một con trưởng thành độ dài toàn thân chừng 40cm. Đặc biệt, chúng có khả năng biến đổi từ màu xanh tím sang đỏ da cam. Khi chúng giương càng, có thể dài tới một mét, và có thể nâng trọng lượng lên đến 28 kg.
Do chuyên ăn lá và quả dừa, nên chúng còn được gọi là “cua dừa”. Khi “thèm”, chúng bám vào thân cây leo lên, dùng càng cắt đứt cuống để quả dừa rơi. Sau đó chúng trèo xuống, lại dùng càng “xẻ thịt” quả dừa. Loài cua này chỉ sống trên cạn, thả xuống nước lập tức bị chết đuối.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu người Đức thì cua dừa có thể sống tới 60 năm. Để duy trì nòi giống, chúng giao phối nơi vùng đất ẩm gần mép nước. Khi đã tự mình kiếm ăn được, bất cứ con cua dừa nào cũng tìm cho mình một cái hang, chúng cứ thế sống đơn độc ngày này sang ngày khác, trừ khi đến mùa giao phối.
Phát hiện của nhóm nghiên cứu người Đức là rất sáng giá, tuy nhiên cũng có người cho rằng loài cua này đã được phát hiện từ cách đây hơn 150 năm, khi nhà khoa học Anh Charles Darwin, người sáng lập học thuyết tiến hóa hiện đại, năm 1836 có dịp đặt chân tới Ấn Độ dương.
Trên thực tế, vẫn còn những loài cua độc đáo khác, không chỉ là của dừa Birgus Latro. Ở Alaska (Mỹ), người ta còn ghi nhận một loại của (của Hoàng đế) có màu tím xanh kỳ lạ. Lúc đầu, người ta tưởng đó là sự đột biến gene, nhưng với số lượng ghi nhận quá lớn thì không thể là đột biến được.
Một ngư dân có tên là Frank McFarland đã phát hiện ra loài cua này. Kích cỡ của nó tương đương những con cua Hoàng đế đỏ khác, nhưng lại nổi bật nhờ màu tím xanh như màu hoa oải hương. Con cua được đưa đến Trung tâm Thủy sản Norton. Lúc đầu, Scott Kent- một nhà nghiên cứu địa phương cho rằng đây là sự đột biến. Nhưng sau đó, chính ông F. McFarland lại đưa đến nhiều con cua xanh như thế, nên người ta đành phải công nhận đó là một giống cua mới phát hiện.
Sau đó, người ta nhớ lại, cũng đã từng thấy một con cua có màu tím xanh như hoa oải hương trong lô hàng cua Hoàng đế đỏ của Nhật Bản. Con cua nặng khoảng 3,5 kg, chiều dài càng khoảng 1 mét. Truyền thông Nhật bản đưa tin, con cua này được phát hiện trong lô hàng được nhập khẩu từ Nga về Nhật Bản.
Các nhân viên của công ty nhập khẩu Marusan Mikami Shoten cho biết họ chưa từng nhìn thấy một con cua Hoàng đế nào lại có màu sắc kỳ lạ như thế. “Tôi đã buôn bán cua trong 25 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con cua có màu tím xanh. Đây có thể là một điềm tốt”- chủ lô hàng Kenetsu Mikami cho biết.
Các chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Hokkaido cho rằng, nguyên nhân khiến con cua có màu sắc “kì ảo” như thế là do ảnh hưởng của chế độ ăn uống hoặc đột biến gây thiếu hụt sắc tố. Nhưng rồi, trước phát hiện tại Alasca (Mỹ), con cua Hoàng đế xanh Nhật Bản không còn được trưng bày như một sinh vật lạ nữa, mà được thả về biển khơi.
Còn tại nước Anh, một ngư dân đã may mắn bắt được một con cua biển khổng lồ sau một mẻ lưới. Con cua này nặng hơn 4 kg, chiều rộng cơ thể đến 30 cm, đôi càng của nó có thể nghiền nát được cánh tay một người đàn ông trưởng thành. Con cua ngay sau đó đã được chuyển đến khu thủy cung Blue Reef ở khu nghỉ mát Southsea, thuộc thành phố Portsmouth, miền nam nước Anh để mọi người chiêm ngưỡng, thay vì ăn thịt.
Người ta cũng từng lên tiếng cảnh báo về những loài cua độc. Trong đó có giống cua gọi là “cua mặt quỷ”. Một người chỉ cần ăn phải 0,5g cua mặt quỷ sẽ dẫn tới bị ngộ độc thần kinh và tử vong nếu không được cứu chữa. Giới chuyên gia cảnh báo, hãy tránh xa các loài cua biển sặc sỡ nếu muốn giữ mạng sống. Vì rằng cơ thể chúng chứa chất độc có hại cho tim mạch, gây tử vong cao. Và, “tuyệt đối không ăn cua đã chết nếu bạn còn muốn sống”.