Câu chuyện có lúc bị gián đoạn. Điện thoại của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân liên tục bị réo gọi trước đề nghị của các địa phương về đề án, chương trình năm 2018. Ông nói, còn lắm trăn trở cho một chiến lược dài hơi của ngành tôm. Mục tiêu đến 2025 xuất khẩu phải đạt 8 – 10 tỷ đô la nhưng nguồn lực đầu tư thì quá hạn hữu. Đành nhìn vào người dân và cộng đồng doanh nghiệp…
Thị trường tôm vụ đông rất lớn
Đến Kim Sơn (Ninh Bình), có người đề nghị ghé vào huyện nhưng ông Luân bảo cứ chạy thẳng xuống vùng tôm Bình Minh, nơi đó nuôi tôm vụ đông cần dành thời gian cho việc tìm hiểu này. Thế rồi, xe của Chi cục Thủy sản Ninh Bình và phòng Nông nghiệp Kim Sơn cũng đuổi kịp chúng tôi.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản rất ấn tượng nuôi tôm vụ đông của ông Vũ Hải Đường (trái)
Theo ông Luân, trước đây người nuôi tôm đã đầu tư khá lớn về vốn và công sức cho hai vụ tôm trong năm. Có nơi nhờ dự án nuôi tôm công nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất. Thế nhưng dịp Tết Nguyên đán và khoảng cuối tháng 3, tháng 4 người tiêu dùng vẫn khan hiếm tôm.
Bằng thực tiễn trải nghiệm và quá trình tìm tòi nghiên cứu, mô hình sản xuất tôm vụ đông đã được triển khai ở Quảng Ninh, Hải Phòng và gần đây là Ninh Bình. Trên những bãi cát hoang vu hay các đầm tôm quảng canh tiêu điều dần được thay thế bởi những ao nuôi hình tròn chóp nón đáp ứng điều kiện sống của tôm vụ đông phía Bắc. Chính cách làm này, nhiều địa phương phía Bắc đã chủ động sản xuất được tôm vụ đông, nâng sản xuất từ 2 vụ lên 4 vụ/năm, doanh thu tăng gấp 3 – 4 lần so với các năm trước.
Từ xa, chúng tôi thấy thấp thoáng những chóp nón, ông Luân bảo, đó là các ao nuôi tôm. Trực tiếp chứng kiến và nghe người nuôi tôm kể, chúng tôi thực sự thấm thía sự thông minh sáng tạo của người nông dân. Ông Vũ Hải Đường, một trong những chủ nuôi tôm vùng bãi cát Bình Minh tâm sự, có được thành quả như hôm nay là cả một quãng thời gian dài vật lộn vớn thiên tai bão bùng, nắng gió và cả đau đớn trước những vụ tôm thất bát.
“Khi một phần đất của Cty TNHH MTV Bình Minh cho khai thác, tôi cùng một hộ dân nữa thuê lại và triển khai nuôi tôm”, ông Đường bắt đầu câu chuyện. Theo đó, 5 năm trước mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh của ông Đường không mấy hiệu quả. Cũng từ đó ông khát khao thay đổi cách làm để không bể nợ.
Bằng quyết tâm đó, ông cùng người góp vốn đã vào miền Nam tìm hiểu, ra Quảng Ninh, Hải Phòng học hỏi rồi về đầu tư vốn liếng hình thành nên 11 ao nuôi có mái che chóp nón, trong đó có 8 ao nuôi, mỗi ao rộng 1.800 m2; các ao còn lại rộng từ 500 – 800 m2. Không chỉ đam mê với con tôm, “cay cú” với những lần thất bại và món nợ ngân hàng quá hạn, mà cái chính là ông Đường đã nhìn nhận được tiềm năng thị trường tôm vụ đông ở phía Bắc là rất lớn. Đây chính là động lực thôi thúc ông dốc sức vào đầu tư sản xuất nuôi tôm vụ đông. Ông khẳng định, miền Bắc, nếu không làm ao có mái che sẽ không nuôi được tôm vụ đông.
Đây cũng là quan điểm của nhóm thanh niên ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. Từ một bãi cát được bồi lên sau dự án nạo vét sông Đáy người ta đầu tư dự án nuôi bò sữa thất bại, 5 thanh niên trong làng đã mạnh dạn góp vốn với một quyết tâm biến đồng cát bạc thành vùng tôm trù phú. Nhanh chóng 37ha đất này đã được cấp có thẩm quyền hoàn tất thủ tục cho họ thuê để nuôi tôm.
Kiểm tra mô hình nuôi tôm vụ đông có mái che chóp nón tại Ninh Bình
Anh Vũ Thanh Trường, một trong 5 thanh niên góp vốn chia sẻ, xác định nuôi tôm là phải có điện lưới. Trong khi chờ đợi nhà nước hỗ trợ, chúng tôi đã kéo lưới điện cao thế để đáp ứng nhu cầu cung ứng điện năng cho cả vùng nuôi. Lý giải về việc vì sao lại hình thành nên những ao tôm có mái che chóp nón, anh Vũ Thanh Trường cho hay, vùng biển Ninh Bình hàng năm đón nhiều cơn bão. Việc đầu tư nhà 2 mái che như rạp đám cưới sẽ khó giữ được mỗi khi có gió bão, đặc biệt rất khó có thể trèo lên chằng chéo mái che. Qua nghiên cứu các mô hình, nhận thấy mái che chóp nón hướng đón gió ít, thoát gió, chi phí đầu tư rẻ hơn.
Đắm mình với tôm
Ngày nào, anh Vũ Thanh Trường cũng trực tiếp lội xuống ao tôm. Anh bảo, phải đắm mình vào ao để cùng làm bạn với tôm, gắn bó với đồng tiền khúc ruột của mình để có được sự điều chỉnh sát về mức nhiệt, quạt, thức ăn, gom bọt sủi… Hãy làm như thế để mình yêu công việc của mình hơn và cũng để anh em công nhân say mê có trách nhiệm với công việc.
“Hiện sản phẩm làm ra chỉ mới cung ứng trong nội địa. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy để tiêu thụ sản phẩm cho những hộ nuôi khác”, anh Trường cho biết.
Đáng chú ý, trong kỹ thuật nuôi tôm vụ đông là phải giữ được nhiệt bên trong ao, nhất là nhiệt độ của nước phải đảm bảo nếu không tôm sẽ chết vì lạnh. Chính vì thế, các ao tôm chóp nón được phủ bạt (khác với bạt ni lông che mạ mùa đông) vì nó có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời.
“Đây được xem là một dạng của hiệu ứng nhà kính trong ao tôm che chóp nón, nhiệt độ bên trong và ngoài chênh lệch 7 – 8 độ C. Nhiệt dưới nước vào khoảng 27 – 32 độ C đảm bảo thích nghi của tôm”, anh Trường cho biết.
Lãi tiền tỷ
Theo ông Vũ Hải Đường, với khí hậu miền Bắc, tôm quảng canh chỉ nuôi được 1 vụ chính, 1 vụ phụ trong đó vụ phụ bấp bênh vì thường vào mùa mưa bão. Nuôi tôm quảng canh mật độ thả tôm giống thưa, chi phí thấp, nhân công tận dụng. Sản lượng bấp bênh do chịu tác động lớn bởi thời tiết. Nếu một ao nuôi 5.000 m2 thì chi phí đầu tư khoảng 10 triệu, thu nhập chỉ đạt đến 20 triệu đồng.
“Điều này khác hẳn so với nuôi tôm có mai che. Vì nuôi tôm có mái che sản xuất được 4 vụ trong năm. Mật độ thả tôm giống cao, thường 200 con/m2. Sản lượng đạt 20 – 22 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, thu 20 tấn x 200 triệu đồng/tấn đạt 4 tỷ đồng, trừ chi phí 50% thì phần lãi đạt được là tiền tỷ (2 tỷ đồng) chứ không gói gọn trong mấy chục triệu”, ông Đường nói.
Cũng theo ông Đường, trong nuôi tôm có mái che là người nuôi chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường. Ví dụ, trước và sau Tết hoặc vào các dịp lễ, hội thì nhu cầu tôm ở miền Bắc sẽ cao. Muốn có nguồn cung kịp thời, chủ động thì chỉ có tôm nuôi mái che mới đáp ứng chứ ao quảng canh không thể.
Đề cập đến tồn tại, hạn chế của nuôi tôm hiện nay, theo những người nuôi tôm chuyên nghiệp ở Ninh Bình đó chính là chúng ta chưa chủ động được nguồn giống. Phần lớn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, trong đó Tập đoàn CP của Thái Lan chiếm tỷ lệ lớn. Vì thế, nếu DN nước ngoài cho ra đời mẻ tôm giống tốt thì người nuôi trong nước được nhờ, ngược lại là khổ sở. Một khi tôm giống kém chất lượng thì tôm nuôi sẽ còi cọc, mang mầm bệnh, kéo dài thời gian nuôi, tốn chi phí, giá bán thương phẩm cũng thấp hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số mô hình tôm nuôi có mái che như của ông Đường, anh Trường đều đặt hàng tôm going của CP với những điều kiện gắt gao hơn, sẵn sàng trả phí cao hơn; đồng thời sử dụng thức ăn chế phẩm sinh học để có sản phẩm tôm sạch, đảm bảo chất lượng.
Đã có nhiều nông dân ở Cà Mau ra đây tìm hiểu, nhận thấy giá tôm ở đây cao hơn nhiều so với miền trong. Cụ thể, ở đây, thường 28 – 30 con/kg giá bán 320.000 – 350.000đ/kg, trong khi ở miền trong có nơi bán 70 con/kg được 170.000 đồng. Mặc dù điều kiện nuôi tôm ở miền Bắc khắc nghiệt hơn miền Nam.
Đối với mái che hình chóp nón này, khi có mưa bão việc người đi lại để chỉnh sửa, chằng chéo không mấy khó khăn. Việc che chắn này sẽ cách ly môi trường bên ngoài (trung gian truyền bệnh). Nó không làm thay đổi nhiều và đột xuất nhiệt độ vì thế tôm thích nghi rất tốt. Khác với nuôi tôm không có mái che, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột tôm dễ bỏ ăn, phát sinh dịch bệnh.
Trả lời câu hỏi, vì sao lại hình thành nên những ao tôm hình tròn mà không phải ao vuông, cả ông Đường và anh Trường đều trả lời rằng, ao vuông, khi cánh quạt quay thì thức ăn vẫn bị đọng lại, kể cả phân của con tôm dạt vào 4 góc vuông. Trong khi ao tròn sẽ khắc phục được tồn tại này và thời gian, chi phí sử dụng quạt sẽ ít hơn so với ao vuông.