Thủy ngân trong nuôi trồng thủy sản
Môi trường nước liên tục tiếp xúc với nhiều loại chất gây ô nhiễm khác nhau như: chì, thủy ngân, cadmium, đồng, asen. Do độc tính cao và tính chất bền bỉ trong môi trường, kim loại nặng đi đầu trong các chất nguy hiểm gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của con người và sinh vật trong các hệ sinh thái. Do đó kim loại nặng được tập trung nghiên cứu độc tính đặc biệt là thủy ngân (Hg). Nguyên tố này được phân loại là một trong những kim loại độc nhất, được đưa vào môi trường tự nhiên do sự can thiệp của con người. Thủy ngân vô cơ là dạng phổ biến nhất của kim loại được giải phóng trong môi trường dưới tác động của sản xuất công nghiệp, nó có độc tính cấp tính mạnh hơn trên mô tế bào của cá so với thủy ngân dạng hữu cơ (SUNDERLAND và CHMURA, 2000).
Một số báo cáo trước đây cho thấy mức thủy ngân cao trong nước chủ yếu ở các vị trí có hoạt động khai thác vàng gần đó và các khu công nghiệp. Nuôi trồng thủy sản thường dễ bị tổn thương bởi chất gây ô nhiễm này, vì nguồn nước cung cấp cho nuôi trồng thủy sản là từ các con sông, đập hoặc các nguồn khác có thể bị ô nhiễm bởi thủy ngân. Một khi có trong hệ sinh thái thủy sinh, một phần của thủy ngân vô cơ có thể được biến đổi thành methyl-mercury (dạng độc của thủy ngân). Các hợp chất thủy ngân độc này sẽ được hấp thụ trực tiếp bởi cá từ nước qua mang, da và đường tiêu hóa.
Cá bị lây nhiễm thủy ngân sẽ có sự thay đổi bệnh lý với hậu quả là sự ức chế quá trình trao đổi chất, thay đổi huyết học, giảm khả năng sinh sản và sự sống (MICRYAKOV và LAPIROVA, 1997).
Thủy ngân có độc tính cao đối với cá rô phi giá trị của nồng độ gây chết LC50 của cá rô phi ở 96h được ước tính là 0,220 mg Hg/L (ISHIKAWA 2007). Đã có nhiều báo cáo về tác hại và xác định độc tính của thủy ngân đối với cá nhưng còn khá ích thông tin đối với tôm thẻ chân trắng - loài có giá trị kinh tế trên toàn cầu. Báo cáo này của Sarahi Roos-MuñozSelene, M. Abad-Rosales và cộng sự nhằm đánh giá liều gây chết của thủy ngân với tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei giai đoạn ấu trùng và vị thành niên.
Thí nghiệm xác định độc tính của thủy ngân với tôm
Thí nghiệm độc tính thủy ngân với tôm thẻ chân trắng vị thành niên được thực hiện sau khi thêm 1,00, 0,75, 0,50, 0,25 và 0,10 mg Hg/ L (sử dụng HgCl2).
Đối với ấu trùng là 0,5, 0,4, 0,3, 0,2, 0,1 và 0,01 mg Hg/ L.
Xét nghiệm độc tính cấp tính xác định rằng, sau 96 giờ phơi nhiễm với Hg, giá trị LC50 tương ứng cho tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei vị thành niên và tôm ấu trùng 0,50 và 0,25 mg / L.
Các tổn thương mô học ở những con tôm sống sót sau 96 giờ phơi nhiễm đã được quan sát thấy trong các mô thần kinh và bao gồm sự có mặt của các tế bào hoại tử. Ảnh: Mô thần kinh của tôm thẻ chân trắng vị thành niên. Nguồn: Springer Link
Mức độ nghiêm trọng của độc tính liên quan đến nồng độ Hg hòa tan. Mức độ phơi nhiễm thủy ngân an toàn đối với hậu ấu trùng L. vannamei sẽ là 2,5 μg / L.
Mặc dù giá trị nồng độ gây chết LC50 được biết của tôm thẻ chân trắng giai đoạn ấu trùng (postlarvae) cao hơn một bậc so với những giai đoạn ấu trùng và hậu trùng của các động vật giáp xác khác, tuy nhiên vẫn cho thấy tôm thẻ chân trắng L. vannamei có sức đề kháng cao với các tác động độc hại của thủy ngân trong nước. Điều này cũng cho thấy sự ô nhiễm thủy ngân trong môi trường có thể là mối đe dọa lớn cho quần thể tôm và cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với nuôi trồng thủy sản.