“Tôi mà xa đàn cá bảy màu, chăm khó như chăm con mọn của mình nửa ngày là chúng sẽ ngửa bụng chết ngay”. Anh Đặng Quang Dũng (ngụ ấp 3, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh - TPHCM) lý giải chuyện anh phải bấm bụng xin vắng mặt tại buổi tổng kết thí điểm mô hình nông thôn mới của TPHCM giai đoạn 2010-2012 vừa diễn ra. Trong buổi tổng kết đó có phần trao bằng khen cho các nông dân sản xuất giỏi mà anh là một điển hình. Ít ai biết, chỉ với khoảng 20 triệu đồng vợ chồng tích cóp từ đồng lương công nhân, trong gần 2 năm qua, anh đã khởi nghiệp nghề nuôi cá kiểng thành công và hiện nay sở hữu cơ sở nuôi cá trị giá gần 200 triệu đồng.
Khởi nghiệp từ 3.000 đồng/ngày
Nhận xét về anh Dũng, chị Lê Cẩm Vân, cán bộ khuyến nông xã Tân Nhựt đồng thời là bạn học của anh, nói gói gọn trong ba từ “rất chịu cực!” Chị Vân còn nhớ khi anh Dũng bắt đầu đi làm hồ phụ giúp gia đình, anh đi bằng xe đạp. Có những hôm anh phải đạp xe mấy chục cây số từ nhà ra công trình xây dựng ở quận Thủ Đức hoặc xa hơn nữa. Về chuyện này, anh Dũng cho biết thêm: “Ngán nhất là những hôm tăng ca để đổ sàn xong gặp trời mưa, đạp về đến nhà có khi đã 23 giờ. Những hôm ấy tôi chỉ ngủ được 5-6 giờ lại lồm cồm thức dậy đạp xe đi làm”.
Tuy nhiên, sự cực khổ đã giúp trui rèn ý chí không ngừng vươn lên trong anh Dũng. Anh hà tiện chi tiêu, tích cóp tiền chờ cơ hội làm ăn. Cuộc đời anh xoay chuyển khi anh gặp, yêu và cưới chị Nguyễn Thị Hồng Nga, một nữ công nhân. Để gần chị, anh xin làm công nhân chung công ty với chị. Rồi con gái đầu lòng chào đời, số tiền cùng vợ tích cóp chưa được mang ra làm ăn đã vơi nhanh chóng. Những tưởng ước mơ làm ăn để vươn lên của anh sẽ dần rơi vào quên lãng. Thế nhưng, trong gần 10 năm, trừ các khoản lo nhà cửa, con cái, tính trung bình mỗi ngày anh chị đã để dành 3.000 đồng từ lương công nhân. Đến giữa năm 2011, vợ chồng anh có số vốn 20 triệu đồng. Lúc này, anh Dũng bắt đầu cho xây hồ, mua cá bảy màu về nuôi thử.
“Khởi đầu không dễ như tôi tưởng. Cá bảy màu rất khó tính, chỉ ưa nước tĩnh và mát mẻ. Mưa cũng chết, nắng cũng chết. Phải chăm như chăm con mọn”- anh Dũng cho biết. Để có thêm kinh nghiệm, anh tìm tài liệu đọc và đi tham quan các cơ sở nuôi cá bảy màu khác. Sự kiên trì đã mang đến thành công. Anh đã có thể làm cho đàn cá bảy màu của mình sống khỏe và mắn đẻ, không còn chuyện chúng ngửa bụng thoi thóp khiến anh phải kêu trời, tiếc đứt ruột.
Nhờ vợ tiếp thị
Đầu năm 2012, thấy việc nuôi, cho cá sinh sản đã thành công, anh Dũng xin nghỉ làm công nhân. “Tôi cần vốn từ việc lãnh trợ cấp thôi việc và bảo hiểm thất nghiệp để xây thêm hồ nuôi. Chỉ 6 hồ xây ban đầu không đủ chứa đàn cá ngày càng mắn đẻ”- anh Dũng giải thích. Để khởi đầu cho ước mơ “làm ăn lớn”, anh mang cá ra các chợ, các cửa hàng cá kiểng để chào hàng. Nhưng tới đâu anh cũng bị từ chối. Họ nói đã có mối cung cấp cá sẵn, vả chăng cá của anh không được đẹp.
Không ngồi yên “chờ chết”, anh tìm mua giống tốt về lai tạo. Chuyện tạo mối bán cá, anh trông cậy cả vào tài ăn nói của vợ vì anh tự nhận tính cách ít nói của anh không phù hợp chuyện tiếp thị. “Lúc ảnh kêu tôi nghỉ làm công nhân, tôi cảm thấy không ổn. Lỡ ảnh thất bại thì cả nhà còn có lương của tôi mà sống. Nhưng nghĩ lại, nếu tôi không đi tiếp thị cá cho ảnh thì ảnh cầm chắc thất bại”- chị Nga kể. Vậy là chị xin nghỉ làm công nhân, quyết đồng cam cộng khổ với chuyện nuôi cá kiểng của chồng. Ngày ngày, chị kiên nhẫn mang cá đi tiếp thị. “Các chủ cửa hàng từ chối nhưng nhờ tôi kiên nhẫn làm quen, những khi nắng to hay mưa to, cá của họ chết nhiều dẫn đến thiếu hàng nên họ gọi mình, riết rồi mình thành mối của họ luôn”- chị Nga nói. Nhắc lại chuyện này, anh Dũng cười bảo: “Cũng nhờ vợ mà cá mới chịu... đụng chợ đấy!”
Hiện nay, ngoài cá bảy màu, anh Dũng còn nuôi thêm cá hồng kim và một số loại cá kiểng khác với số lượng hồ nuôi đã lên đến 120. Về thành công bước đầu của mình, anh Dũng cho biết thu nhập hằng tháng của vợ chồng anh khoảng 20-25 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần mức lương công nhân của cả hai trước đây. Ngoài thu nhập cao, vợ chồng anh còn có nhiều thời gian lo cho con hơn. Điều này khi làm công nhân tăng ca đầu tắt mặt tối, anh chị hiếm khi có.