Đó là câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn lần thứ 15 về Đổi mới - sinh thái và Hội nghị bàn tròn của UNEP về Đổi mới-sinh thái do Tổng cục Môi trường thuộc Ủy ban châu Âu và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp tổ chức vào ngày 12-13/11 tại Hà Nội.
Thông tin tại diễn đàn cho biết, mặc dù thế giới đang sản xuất đủ lượng lương thực để nuôi sống toàn bộ cư dân, thì điều nghịch lý là suýt soát một tỉ người vẫn đang bị đói, còn hai tỉ người đang bị thiếu dinh dưỡng.
Ước tính lượng thất thoát và lãng phí lương thực chiếm tới một phần ba tổng lượng lương thực được sản xuất.
Theo WTO, hằng năm có đến 1,3 tỉ tấn lương thực bị lãng phí trong khâu chế biến, đóng gói, trong đó châu Á có tỷ lệ thất thoát cao nhất.
Do đó, việc tìm hướng đi để các DN tại châu Âu và châu Á giảm thất thoát trong khâu chế biến, đóng gói và bán lẻ đồng thời tăng khả năng thu lợi nhuận và tăng tiếp cận tới những thị trường mới là vấn đề chính được thảo luận tại diễn đàn.
Diễn đàn được xem là cơ hội để các đối tác công và tư gặp gỡ và trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về thực trạng cơ hội và thách thức, tác động các sáng kiến chính sách và sinh thái đến sử dụng nguồn lực hiệu quả và giảm lãng phí.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT PGS.TS.Lê Quốc Doanh khẳng định: “Qua hội thảo, có thể rút ra những vấn đề nhằm sử dụng nguồn lực hiệu quả, giảm lãng phí lương thực là: Tăng cường nâng cao nhận thức kiến thức, kỹ năng sử dụng nguồn lực hiệu quả và cắt giảm lãng phí lương thực; Đổi mới khung thể chế và xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích nguồn lực hiệu quả và cắt giảm lãng phí; Xây dựng chiến lược phát triển xanh dựa vào các động lực phát triển mới như con người, KHCN, tri thức văn hóa…nhằm phát triển bền vững; Đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ và sáng kiến sinh thái tạo môi trường thuận lợi phát huy và áp dụng sáng kiến sinh thái như cơ sở hạ tầng, ưu đãi đầu tư và sở hữu trí tuệ…; Tăng cường hợp tác Nam- Nam, hợp tác Bắc- Nam, tăng cường hợp tác giữa các DN và hợp tác công- tư để cùng đưa ra giải pháp toàn diện và đồng bộ giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả và giảm lãng phí”.
Ông Phạm Hoàng Mai, vụ trưởng Vụ Khoa học - Giáo dục - Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, hiện Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh đã được hoàn thiện và trình chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2013. Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản là nhóm thứ 5 trong tổng số 66 nhóm hành động được thể hiện trong kế hoạch.
Đây là khung pháp lý hỗ trợ các DN sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.