Vi phạm cả đạo đức và pháp luật
Tại một số địa phương thí điểm bảo hiểm tôm nuôi đang có tình trạng, đại lý cung cấp tôm giống hoặc thức ăn cho tôm khai khống số lượng hoặc giá bán sản phẩm để trục lợi tiền bảo hiểm đền bù khi gặp thiên tai, bệnh dịch. Theo các cơ quan chức năng, hành vi trục lợi từ tiền bảo hiểm tôm nuôi chưa trở thành phổ biến nhưng vẫn cần cảnh báo; đồng thời có thể xem như Bài học để các bên tham gia Chương trình bảo hiểm tôm nuôi nói riêng và bảo hiểm nông nghiệp nói chung (còn rất mới ở Việt Nam) rút kinh nghiệm trong những năm tới.
Một số hộ nuôi tôm ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng phản ánh: Lợi dụng tình hình tiêu thụ tôm gặp khó khăn, nhiều hộ dân không còn đủ vốn tiếp tục nuôi tôm và tham gia bảo hiểm, nhiều đại lý cung cấp tôm giống và thức ăn cho tôm đã đứng ra cung cấp con giống, thức ăn cho các hộ nuôi tôm tiếp tục nuôi và tham gia bảo hiểm. Ban đầu, đây có thể là sự hợp tác tốt, các bên cùng có lợi. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy việc giám sát, kiểm tra đầm tôm cũng như việc đền bù thiệt hại của doanh nghiệp tham gia bảo hiểm có phần lơi lỏng, một số đại lý tôm giống và thức ăn chăn nuôi đã khai khống lượng thức ăn, giá tôm giống, mật độ nuôi thả… để trục lợi khi đầm tôm của nông dân gặp thiên tai, dịch bệnh phải đền bù.
Ông Nguyễn Thành Nhàn, chủ hộ nuôi tôm tại xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết, thủ đoạn trục lợi của đại lý tôm giống và thức ăn chăn nuôi là khai tăng giá thức ăn và mật độ nuôi thả. Chẳng hạn, đại lý lấy giống tôm thẻ chân trắng không rõ nguồn gốc với giá 27 đồng/con, về bán lại cho nông dân 85 đồng/con; thức ăn cho tôm giá 27.000 đồng/kg thì đại lý kê khai 40.000 đồng/kg; 1m2 ao chỉ thả vài chục con giống nhưng giấy tờ lại ghi 100 con/m2. Việc kiểm kê các con số này hầu hết được các đại lý thức ăn làm chỉn chu, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, còn người dân thực tế chỉ thỏa thuận riêng với đại lý mức đền bù khi xảy ra dịch bệnh khiến tôm chết. Như vậy ở đây có sự hợp tác giữa người nuôi với đại lý cung cấp tôm giống và thức ăn. Trường hợp người nuôi chỉ hợp tác bằng cách làm ngơ cũng tạo điều kiện cho đại lý tôm giống và thức ăn chăn nuôi tự tung tự tác.
Đừng để lòng tốt bị lợi dụng
Ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để ngăn chặn những hành vi gian lận, trục lợi như trên, trước hết cần tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân. Trong hợp tác kinh tế phải lấy chữ tín làm đầu, nếu gian lận thì bảo hiểm không "thọ" được, sẽ thua lỗ và rút lui, nông dân sẽ mất "tay vịn" để đảm bảo an toàn, chống rủi ro và sẽ nhận phần thiệt nhiều hơn. Về phía doanh nghiệp tham gia bảo hiểm, cần tăng cường đội ngũ và biện pháp giám sát, kể cả giám sát khách hàng và nhân viên của mình. Một biện pháp nữa là phải tăng mức xử phạt và phạt thật nghiêm khách hàng gian lận. Cùng đó, các đoàn thể, tổ chức quần chúng cần phối hợp tích cực tuyên truyền cho người dân ý thức tự giác, không vì lợi nhỏ mà bỏ mất cơ hội và lợi ích cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Phi - Trưởng ban Bảo hiểm nông nghiệp (Bảo hiểm Bảo Việt), để hạn chế hành vi gian lận, doanh nghiệp cần có cơ chế bảo vệ, động viên nhân chứng hợp tác, giúp đỡ việc điều tra, xác minh liên quan bảo hiểm, bồi thường. Cùng đó, cần xây dựng quan hệ tốt với cơ quan chức năng liên quan (như chính quyền địa phương, cơ quan giám định, điều tra, nhà khoa học chuyên ngành) để hợp tác hiệu quả trong giải quyết vụ việc bảo hiểm, bồi thường có yếu tố gian lận, phức tạp, không rõ ràng. Ngoài ra, cần liên tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo dư luận ủng hộ việc đấu tranh với những hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm.
>> Chương trình thí điểm Bảo hiểm tôm nuôi được thực hiện tại 4 tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, mỗi tỉnh chọn 9 xã thuộc 3 huyện để triển khai. Hộ nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm; hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 20 - 60% phí mua bảo hiểm. Nuôi quảng canh cải tiến sẽ đóng phí bằng 9,72% tổng chi phí vụ nuôi; nuôi bán thâm canh đóng 8,02%; nuôi thâm canh đóng 7,42%, tương đương khoảng 10 triệu đồng.