Chuyến biển đặc biệt
Sau khi cập cảng cá Quy Nhơn để bán “lộc biển” cho thương lái, ngư dân Đinh Công Trải (trú xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) - chủ tàu BĐ 97961 TS cùng nhiều bạn thuyền đã có bữa cơm tất niên sớm để chuẩn bị chuyến vươn khơi xuyên tết. Bên mâm cơm, anh Trải cho hay: “Đã 20 năm lênh đênh trên biển để kiếm sống, chỉ có 2 năm tôi đón tết cùng gia đình ở đất liền. Buồn nhưng cũng chấp nhận vì 2 chữ mưu sinh của bản thân và cả gia đình”.
Sinh ra ở làng chài ven biển Hoài Nhơn, khởi nghiệp bằng nghề đánh bắt ven bờ, đi bạn làm thuê…, giờ đây anh Trải đã có trong tay con tàu 870 mã lực, trị giá hàng tỷ đồng. Hầu như tháng ngày nào anh cũng theo tàu nên việc đón giao thừa ngoài khơi với anh là câu chuyện quá đỗi bình thường.
Vật giá ngày cuối năm tăng nên chi phí chuyến biển cuối năm thường cao hơn khoảng 20% so với ngày thường, nhưng ngư dân Trải vẫn chấp nhận ra khơi. “Tàu tôi đánh bắt bằng nghề lưới vây và câu cá ngừ đại dương. Chuyến này, phí tổn để vươn khơi khoảng 160 triệu đồng. Chắc cũng hơn 1 tháng sau mới vào bờ, hy vọng tàu sẽ đánh bắt được nhiều “lộc biển” để chia phần cho anh em, xứng đáng với những ngày xa nhà trong dịp tết”- ngư dân Trải chia sẻ.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Việt (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 97244 TS, sở dĩ ngư dân vươn khơi xuyên tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Hơn nữa, những tháng trước tết, biển thường có bão nên việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ngư dân quan niệm rằng, ra khơi may mắn, tàu nhiều cá và trở về bình an trong ngày ra quân đầu năm thì cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió, bội thu. “Cuối năm thời tiết thuận lợi nên chắc chắn có khoảng 50% số tàu của tỉnh Bình Định sẽ đón Tết tại các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa”- ngư dân Việt cho hay.
Những làng vắng đàn ông
Nhiều người cho rằng nơi ăn tết trên biển đông nhất tỉnh Bình Định vẫn là ngư dân vùng biển Hoài Nhơn. Vào dịp tết, nhiều ngôi làng vùng này vắng bóng đàn ông vì đang ở ngoài biển.
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Chí Công- Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho hay: “Hiện địa phương chúng tôi có khoảng 2.100 tàu khai thác thủy sản, có công suất 90CV trở lên. Ước tính Tết Đinh Dậu có khoảng 500 tàu cá với 3.500 ngư dân ăn tết trên biển”.
Chúng tôi gặp ngư dân Trần Xuân Quang (SN 1965, trú xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) - người đã có 30 năm kinh nghiệm đánh bắt trên biển, nghe ông trải lòng tâm sự: “30 năm làm nghề biển nhưng có đến 15 năm tôi đón tết trên biển, giờ đã thành thói quen rồi. Ra biển dịp tết ta, mình chủ yếu mong kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình, nên khó khăn hay cản ngại gì cũng vượt qua hết”.
Ngư dân Trần Xuân Quang lập gia đình và nuôi 5 đứa con ăn học từ nghề đi biển của ông. Không đủ kinh phí để sắm tàu nên ông đành đi bạn. “Cách đây hơn 20 năm, cái tết đầu tiên xa nhà với tôi là nỗi buồn vô bờ bến. Trong đất liền đang vui giây phút giao thừa thì chúng tôi nỗ lực kéo lưới, mồ hôi nhễ nhại và nhớ vợ con đến phát điên giữa trời nước đen ngòm. Nhưng rồi cái Tết thứ 2, thứ 3 qua đi…, giờ đây đón tết trên biển đã thành thói quen. Chúng tôi xem ngư trường là nhà, bạn thuyền là người thân nên cứ thế vui vẻ. Ngày tết chỉ khác ngày thường là anh em được ăn nhiều đặc sản tết và lòng cũng chộn rộn hơn”- ngư dân Quang chia sẻ.
Bình Định có khoảng 6.350 tàu cá cùng 45.000 ngư dân luôn thường trực trên biển. Rất nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ trong ngày cuối năm. Họ đón giao thừa giữa biển, chịu nỗi buồn xa gia đình nhưng cũng đang thầm lặng góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương”. Ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định