Đồng Tháp là địa phương sản xuất và chế biến cá tra lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 400 ngàn tấn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có trên 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, trong đó có 76 cơ sở sản xuất và 1.150 cơ sở ương giống, tập trung tại các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành. 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng giống sản xuất gần 960 triệu con, cá bột 13 tỷ con, đáp ứng được nhu cầu con giống trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.
Đồng Tháp có 363 vùng nuôi cá tra xuất khẩu được cấp mã số nhận diện với diện tích mặt nước trên 1.500ha. Hiện toàn tỉnh có 21 doanh nghiệp tham gia hoạt động nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích 968ha; hộ nuôi cá thể là 535ha, trong đó liên kết sản xuất với doanh nghiệp được gần 500ha.
Buổi làm việc này tập trung bàn về 2 vấn đề địa phương cần giải quyết hiện nay là tìm mô hình phù hợp cho tổ chức sản xuất cá giống hiệu quả, chất lượng và những cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cá giống.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, trong thời gian tới, để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, nhất là khâu sản xuất giống, tỉnh phải đề ra các giải pháp đột phá tập trung vào vấn đề sản xuất cá tra giống nhằm tạo được giống chất lượng cao, tăng trưởng nhanh, có thể kháng bệnh. Địa phương cần quan tâm thực hiện hiệu quả trong sản xuất chất lượng giống, trong đó bao gồm vấn đề kiểm soát dịch bệnh và các yếu tố khác liên quan đến chất lượng con giống. Cần xây dựng mô hình sản xuất giống, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ động, nòng cốt trên cơ sở phối hợp tốt các hộ sản xuất giống hiện nay để cùng phát triển tốt hơn.
Về chính sách, Thứ trưởng đề nghị Đồng Tháp rà soát, đánh giá lại tình trạng sản xuất cá giống hiện nay, từ đó UBND tỉnh có những văn bản chính thức đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ để được tạo điều kiện trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra tốt nhất ĐBSCL theo hướng địa phương sản xuất giống cá tra chất lượng cao như tỉnh An Giang.