Xuất khẩu cá điêu hồng
Đồng Tháp có lợi thế tự nhiên rất lớn để phát triển con cá điêu hồng. Diện tích cá điêu hồng nuôi trong lồng, bè không ngừng biến động qua từng năm theo xu hướng tăng (năm 2006 có trên 800 bè, năm 2014 tăng lên trên 1.000 bè). Lâu nay, cá điêu hồng chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa thông qua chợ đầu mối ở TPHCM và hệ thống các chợ truyền thống trong nước. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là từ năm 2011 đến nay, Doanh nghiệp (DN) Hoàng Long (Đồng Tháp) đã xuất khẩu cá rô phi và cá điêu hồng vào thị trường của gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2014, Cty này xuất được 500 tấn, trị giá gần 100.000 USD. Nhu cầu thị trường thế giới đối với cá rô phi và điêu hồng theo đánh giá có thể cao hơn cả cá tra.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, để ngành thủy sản Đồng Tháp có thể phát triển ổn định và bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng đạt các tiêu chuẩn trong và ngoài nước theo yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, thông qua đó xây dựng một thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản được thị trường trong nước công nhận và người tiêu dùng ưa chuộng, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt mô hình thí điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng. Mục tiêu chính của dự án nhằm xây dựng cơ chế liên kết giữa các thành viên trong chuỗi liên kết và kế hoạch sản xuất, nguyên tắc giao nhận sản phẩm, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, nâng cao uy tín thương hiệu; trên cơ sở đó đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng bền vững của từng thành viên và toàn bộ chuỗi. Đặc biệt là khâu tiêu thụ hàng hóa trong chuỗi liên kết; đảm bảo ổn định việc tiêu thụ hàng thủy sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất thủy sản.
Loại bỏ dần khâu trung gian
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp Phan Kim Sa: “Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng giữa DN và nông dân hướng tới loại bỏ dần khâu trung gian để tiến tới việc DN trực tiếp thu mua nông sản trong dân theo hợp đồng. Tiếp theo, DN sẽ lo cả “đầu vào” cho nông dân, xây dựng thương hiệu nông sản. Mục tiêu chính mô hình hướng đến là tránh tình trạng “được mùa mất giá” từng diễn ra đối với hàng hóa nông sản. Thêm nữa, thông qua mô hình, chúng tôi muốn thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc củng cố và tổ chức lại sản xuất HTX, sao cho HTX đủ mạnh để có đủ năng lực tự đứng ra ký kết hợp đồng với DN trong sản xuất”.
Năm 2014, mô hình thí điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng được thực hiện giữa HTX sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) với Cty TNHH MTV chế biến thủy sản Hoàng Long (quy mô 50 lồng bè của 21 hộ nông dân). Chuỗi liên kết dọc giữa Cty và HTX sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng thực hiện theo phương thức liên kết căn cứ vào công suất cấp đông, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu của DN mà thành viên tham gia trong chuỗi ở công đoạn trước đáp ứng 80% sản lượng “đầu vào” của công đoạn sau; đồng thời liên kết các dịch vụ khác như cung ứng thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ sản xuất, dịch vụ ngân hàng để đầu tư sản xuất…..
Giám đốc HTX Bình Thạnh Võ Tuấn Kiệt cho biết, tham gia mô hình, xã viên rất phấn khởi, mong muốn có mối liên kết “đầu vào”, “đầu ra” ổn định, chắc chắn để người dân yên tâm sản xuất đảm bảo có lãi.