Theo chân một hộ ông Dương Văn Sà Thal ngụ ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự - hộ chuyên thực hiện nghề này cho thấy, việc chuẩn bị trước khi đi xúc lươn của gia đình khá đơn giản gồm: 1 chiếc xuồng máy, 1 cái vợt cỡ lớn và 1 cái thùng. Sau khoảng 15 phút xuất phát từ nhà, chúng tôi đã có mặt tại ụ chất lục bình đầu tiên. Ông Sà Thal khẩn trương bắt tay ngay công việc thường ngày của mình. Chỉ cần đưa vợt xuống phía dưới nước, kéo ụ lục bình vào vợt, dùng tay tốc hết lục bình ra ngoài và tiếp tục chất lại ụ mới, còn lại là thành quả từ tự nhiên.
Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề chất ụ lục bình, ông Sà Thal nhận định, mùa lũ năm nay lươn tương đối nhiều hơn so với mọi năm. Ông Sà Thal nói: “Tôi xúc lươn cũng lâu rồi, mùa lũ năm nay, mỗi ngày xúc được khoảng 3 - 4kg lươn, bán được hơn 200 ngàn đồng”.
Năm nay, ông Thal đặt khoảng 120 ụ, tăng gần gấp 3 lần so với những năm trước. Ông Sà Thal cho biết, nghề này dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí, tuy nhiên đòi hỏi người làm nghề phải có kinh nghiệm và biết được hoạt động, sinh sống của lươn.
Ông Thal cho biết thêm: “Sáng mình phải đi đổ sớm, lúc lươn nó lên nghỉ, nếu để đến trưa động con lươn nó tuột xuống. Nghề xúc lươn này chỉ tốn công, lấy lục bình chất ụ, lấy lưới cước về may bẻ rộng vợt rồi đi xúc chứ không tốn nhiều chi phí”.
Hiện nay để bắt con lươn đồng, người dân sử dụng nhiều biện pháp, như đặt trúm, thả câu, chất ụ lục bình... Trong các biện pháp kể trên, chất ụ lục bình được xem là cách bắt lươn truyền thống dễ thực hiện, ít tốt chi phí nhưng hiệu quả mang lại khá cao.
Ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết: “Trong những năm gần đây, công việc xúc ụ lươn góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập cho một số người dân, đặc biệt là hộ nghèo ở địa phương”.