Theo thông tin chúng tôi có được, đầu năm 2015, Công ty CPXD Đại Thắng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại thôn Bắc Lạc với tổng diện tích hơn 112.000 m2. Sau khi hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc và các thủ tục khác, công ty bắt tay xây dựng hạ tầng để nuôi tôm.
Theo quy hoạch, trên diện tích này sẽ được bố trí các hạng mục chính như: vành đai cây xanh, đường quy hoạch, khu nhà quản lý nuôi, hệ thống giao thông nội khu, hệ thống ao lắng, ao thải, ao ương. Đặc biệt, trong đó, khu vực xử lý chất thải được bố trí 2 ao với tổng diện tích 4.600 m2.
Sau một thời gian thi công, công trình cơ bản hoàn thành và Công ty CPXD Đại Thắng bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, dù vận hành chưa lâu, nhưng dự án này đã bộc lộ một số sai phạm. Trước hết là về hàng rào, trạm điện phía tiếp giáp đường 19/5, công ty đã tự ý lấn ra, không theo đúng quy hoạch.
Tuy nhiên, điều mà người dân thôn Bắc Lạc quan tâm lo lắng nhất vẫn là vấn đề môi trường. Theo người dân sống xung quanh, dù thời gian thả nuôi tôm chưa lâu, nhưng những dấu hiệu ô nhiễm là thấy rõ. Trong khuôn viên ao thải thường bốc mùi hôi, nhất là những đợt gió từ biển thổi vào. Nhiều người lo sợ nước thải chưa được xử lý triệt để chảy ra biển sẽ đe dọa môi trường biển. Đặc biệt, đây là vùng đất cát, nước thải bẩn sẽ dễ thẩm thấu trong lòng đất, gây ảnh hưởng xấu đến mạch nước ngầm.
Khi chúng tôi đến kiểm tra thực địa, ông Dương Đình Lương - Giám đốc Công ty CPXD Đại Thắng phản ứng khá gay gắt. Ông Lương bức xúc cho rằng, việc xử lý chất thải bằng 1 ao lắng là hoàn toàn đủ, không cần làm 2 ao (dù thiết kế 2 ao). Vấn đề mùi hôi, chất lượng xử lý chưa đảm bảo không quan trọng vì…
“Mùi này là mùi nông nghiệp. Hơn nữa, các dự án nuôi tôm trên cát dọc bãi biển này đều thế cả, có ai chấp hành tốt được đâu. Nuôi tôm thua lỗ nhiều rồi, bây giờ cứ bắt tôi về vấn đề môi trường là không phục” (?). Chỉ khi chúng tôi nêu quan điểm việc làm ăn lời lãi là của doanh nghiệp (DN), điều đáng quan tâm nhất là môi trường sống của cả cộng đồng, ông Lương mới dịu giọng dù vẫn cho rằng, việc không đảm bảo vệ sinh môi trường như công trình nuôi tôm trên cát của ông là phổ biến.
“Nếu cả Hà Tĩnh này làm cả (các khu nuôi tôm trên cát như của ông đều thực hiện đúng quy trình xử lý môi trường - P.V) thì tôi cũng làm” - ông Lương khẳng định!
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, phần quy hoạch xử lý chất thải bằng 2 ao lắng (1 ao lắng thô và 1 ao xử lý) thì DN chỉ làm 1 ao thô, với diện tích khoảng 2.000 m2. Nước thải được lắng tại đây rồi thải thẳng ra biển mà không được xử lý đúng quy trình.
Đặc biệt, tại hồ lắng có 1 lượng cặn khá lớn, gây mùi hôi nồng nặc và nước thải có dấu hiệu ô nhiễm. Bên cạnh đó, một phần diện tích quy hoạch xử lý môi trường đã được Công ty CPXD Đại Thắng tận dụng làm khu quản lý, không đảm bảo thiết kế. Phải chăng, hơn 112.000 m2 là không đủ và DN muốn tận dụng tối đa diện tích để làm ao nuôi?
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Kim Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc cho biết: Quá trình Công ty CPXD Đại Thắng nuôi tôm trên địa bàn xóm Bắc Lạc gây ô nhiễm môi trường như phản ánh của người dân là có cơ sở. Các phòng chuyên môn của huyện Thạch Hà cũng đã phối hợp với UBND xã Thạch Lạc kiểm tra làm rõ, đôn đốc chấn chỉnh nhưng DN chưa chấp hành.
“Về phần xã, rất khó kiểm tra, giám sát vì DN đóng trên địa bàn nhưng họ không phối hợp, xã muốn vào kiểm tra cũng khó” - ông Mậu nói thêm.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho biết: “Chúng tôi đã 2 lần kiểm tra, phát hiện một số sai phạm và yêu cầu Công ty CPXD Đại Thắng tập trung khắc phục nhưng DN vẫn chưa xử lý. Về môi trường, huyện Thạch Hà đang xây dựng hồ sơ, báo cáo Sở TN&MT để xử lý vì những vi phạm của công ty này vượt quá thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND huyện. Riêng về các sai phạm liên quan đến quy hoạch, hồ sơ pháp lý… Phòng TN&MT lập biên bản, ra thời hạn cho công ty khắc phục và điều chỉnh, bổ sung.