Trong tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,25 tỷ USD (giảm 6,3% so với năm ngoái), tôm sú đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 56% tổng giá trị xuất khẩu, tôm chân trắng đạt 676,6 triệu USD, chiếm 32,8%. Dù kim ngạch xuất khẩu trong năm có giảm so với 2011 nhưng đây là kết quả rất đáng khích lệ trong tình hình khó khăn từ các thị trường xuất khẩu kết hợp với khó khăn trong nước. Kết quả đã thể hiện nỗ lực lớn của người nuôi, DN chế biến và sự hỗ trợ từ một số chính sách từ Bộ ngành liên quan.
Năm 2012, 5 trong Top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, chiếm 95,2% tỷ trọng giá trị xuất khẩu, có lượng nhập giảm mạnh: Mỹ giảm 15,6%, EU giảm 24,8%, Canada giảm 14,1%, các nước ASEAN giảm 22,2%, Thụy Sĩ giảm 10,5%.
Đặc biệt, từ tháng 7/2012, tôm Việt Nam xuất sang Nhật, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, đã giảm do Nhật tăng cường kiểm soát dư lượng ethoxyquin trong các sản phẩm tôm với mức dư lượng cho phép rất thấp chỉ 0,01 ppm. Đây cũng là lý do khiến tôm Việt Nam bị ép giá mạnh từ tháng 9 trên thị trường thế giới.
Tôm nguyên liệu cũng thiếu trầm trọng do các vùng nuôi bị thiệt hại bởi dịch bệnh. VASEP cho biết, trong năm 2012 diện tích nuôi tôm bị thiệt hại lên tới 100.776ha (trong đó 91.174ha nuôi tôm sú và 7.068ha tôm chân trắng), nhất là ở các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…
Dịch bệnh khiến tỷ lệ thành công trong nuôi tôm ở Việt Nam chỉ đạt 30-40%, trong khi tại Thái Lan là 70%. Chi phí đầu vào tăng trong năm cũng khiến phí sản xuất tôm Việt Nam tăng 15-25%. Tôm chân trắng Việt Nam còn bị cạnh tranh mạnh bởi tôm từ Ấn Độ.
Trong khi đó, theo các DN, một số chương trình hỗ trợ người nuôi tôm cũng chưa mang lại hiệu quả tích cực. Chương trình thí điểm bảo hiểm nuôi tôm xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ chưa hỗ trợ nhiều cho tôm, còn nhiều vướng mắc do có nhưng quy đinh chưa phù hợp thực tế.
Nghiên cứu tình hình kinh tế thế giới và năng lực sản xuất, chế biến của DN trong nước, VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2013 có thể tăng 6,5% so năm 2012.
Cũng theo VASEP trong năm 2013 ngành nuôi và chế biến tôm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại như dịch bệnh, hội chứng tôm chết sớm (EMS), nguồn nguyên liệu thiếu, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng… Thị trường xuất khẩu của con tôm tiếp tục khó khăn sẽ có thêm các rào cản ethoxyquin ở Nhật Bản và có thể là Hàn Quốc. Tôm chân trắng Việt Nam cũng phải cạnh tranh với Ấn Độ trên nhiều thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Nhật Bản, EU và cả Canada.
Trước thực tế này, ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đề nghị các tỉnh tổng kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm, nghiêm cấm kinh doanh những loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng, kiểm soát chặt chất lượng tôm giống; đồng thời đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP để tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng điều kiện khắt khe của thị trường nhập khẩu thế giới.
Để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có con tôm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ NN&PTNT, yêu cầu trong năm 2013 phải tập trung vào công tác quy hoạch ngành nông nghiệp, trong đó có con tôm, phải tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Bộ cũng phải ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực của xã hội đầu tư vào lĩnh vực này.
VASEP cho rằng, nếu tăng cường triển khai tốt các biện pháp trên cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước cho người nuôi, DN chế biến, tăng các hoạt động xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài, xuất khẩu tôm năm 2013 vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra với có mức tăng hơn 6% so với năm 2012./.