Số liệu báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) tại hội thảo “Ảnh hưởng kinh tế thế giới đối với ngành thủy sản Việt Nam” tổ chức tại Cần Thơ ngày 28-3 cho thấy, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) trong những tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng, thì xuất khẩu sang EU lại sụt giảm mạnh.
Cụ thể, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 2-2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt trên 27,4 triệu đô la Mỹ, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 16,7% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành. Trong khi đó, xuất khẩu loại cá này sang thị trường EU trong khoảng thời gian này đạt khoảng 25,2 triệu đô la Mỹ, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 15,3% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành.
Trước diễn biến về thị trường xuất khẩu như trên cùng với những khó khăn xuất hiện tại thị trường EU thời gian gần đây, cụ thể là việc tập đoàn bán lẻ lớn nhất lớn nhất châu Âu Carrefour ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam, những người trong cuộc dự báo nhiều khả năng xuất khẩu cá tra vào thị trường này sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017.
“Với bối cảnh EU hiện nay, đà suy giảm ở thị trường này đối với hàng nông sản Việt Nam, trong đó có cá tra dự báo sẽ tiếp tục giảm”, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VN Pangasius, dự báo.
Theo ông Dũng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp tới đây có cứu vãn được tình hình sụt giảm hay không là chưa biết, “nhưng hiện tại, với những thông tin chúng tôi có được, những cách thức hành xử của các công ty, của đối thủ cạnh tranh đối với cá tra, thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ hết sức vất vả”, ông cho biết.
Cũng theo ông Dũng, mặc dù EVFTA có thể mang lại một số lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng với hàng hóa nông sản vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra. “Tôi cũng thật sự chưa tin những diễn biến tích cực đối với nông sản và riêng với con cá tra”, ông Dũng phát biểu.
Ông Yoann Perrault, Giám đốc kỹ thuật và tiếp thị khu vực châu Á của Eurocham, cho rằng việc các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị thị trường EU trả lại đã có ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng vào thị trường này.
Tại hội thảo, ông Yoann Perrault cho biết thời gian gần đây, Việt Nam đã có 11 lô hàng bị EU trả lại do nhiễm vi khuẩn, vi rút, thủy ngân và có hàm lượng các loại thuốc trừ sâu cấm sử dụng trong sản phẩm.
Theo ông, một số vấn đề của Việt Nam, bao gồm cả quá trình nuôi, xử lý, hậu cần, đông lạnh chưa đảm bảo cũng khiến thị trường EU lo ngại. “Tôi muốn nói đến một điểm nữa, đó là một số phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam chưa được phía EU công nhận, nên các sản phẩm được chứng nhận ở những đơn vị này dù vượt qua được hàng rào của phía Việt Nam nhưng chưa nhận được sự tin tưởng của phía EU”, ông cho biết.
Theo ông Yoann Perrault, kết quả là người tiêu dùng EU lo ngại sử dụng sản phẩm từ Việt Nam và các nhà sản xuất mua nguyên liệu cũng ngần ngại trong việc thu mua nguyên liệu từ Việt Nam về chế biến thực phẩm. “Đây là một trong những lý do khiến việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU ngày càng sụt giảm”, ông nhất mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Yoann Perrault, Việt Nam lại không có một cơ chế hiệu quả để các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp phía EU làm việc với nhau để giải quyết.
Chính vì vậy, theo ông Yoann Perrault, bên cạnh việc tạo cơ chế đối thoại giữa Việt Nam và EU để tạo sự minh bạch về sản phẩm đến với người tiêu dùng EU, nâng cao chất lượng sản phẩm là điều cần phải chú ý. “Khi EVFTA ký kết, các hàng rào kỹ thuật về thuế sẽ hạ xuống, nhưng các chuẩn mực sản phẩm sẽ được nâng lên. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt chú ý việc nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Yoann Perrault khuyến cáo.