Giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại
Sau quãng thời gian dài giá tôm chạm đáy, giá tôm nguyên liệu gần đây đã có xu hướng tăng trở lại. Thị trường xuất khẩu bắt đầu có những tín hiệu tốt, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn dần tăng trở lại.
Chính vì nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các nước sẽ tăng để phục vụ dịp lễ giáng sinh và năm mới. Các doanh nghiệp gia tăng công suất chế biến để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, do đó nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu tăng trở lại, giá tôm trên thị trường cũng bắt đầu tăng nhẹ.
Tuy nhiên, mức độ phục hồi phục vụ doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính: Mỹ và Trung Quốc.
Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ là điểm sáng cho xuất khẩu tôm nửa cuối năm 2023
Thị trường Mỹ có dấu hiệu chuyển dịch và dự đoán nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ tiếp tục phục hồi trong quý cuối năm nay.
Hiện nay, sản lượng tôm ở Mỹ sản xuất chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng, 90% còn lại phải nhập khẩu. Vì vậy, thị trường Mỹ được coi là một trong những thị trường còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp ngành tôm có thể khai thác. Tuy nhiên, để có thể thuận lợi xuất khẩu tôm qua thị trường lớn này cần phải đạt đầy đủ các chất lượng tiêu chuẩn đề ra.
Tôm nuôi lột vỏ đông lạnh và tôm thịt chế biến đông lạnh là 2 sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ.
Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về xuất khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương. Cùng với xu hướng tăng nhập khẩu tôm, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng khá khả quan. Theo dự báo của IMF, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 1,5% trong năm 2024, lần lượt tăng 0,3 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tiếp tục tích cực trong những tháng cuối năm nay
Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng nên thu lợi nhuận nhiều hơn khi giá năng lượng tăng do tác động từ cuộc chiến Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ ổn định hơn, ít chịu tác động từ các biện pháp tăng lãi suất. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tiếp tục tích cực trong những tháng cuối năm nay.
Các nước đối thủ đang có xu hướng sụt giảm số lượng tôm xuất khẩu
Hai nước đối thủ Ấn Độ và Ecuador đang trên đà gặp khó khăn về sản xuất tôm nguyên liệu dự đoán sẽ là một bàn đạp giúp con tôm Việt Nam vượt lên đầu bảng.
Tại Ấn Độ, trong bối cảnh sản xuất tôm nội địa đang giảm. Theo dữ liệu của Shrimp Insights, nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ và lượng tôm bố mẹ phân phối từ các trung tâm nhân giống tôm tới các cơ sở ương dưỡng trong quý 3 đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng về Ecuador, các chuyên gia dự đoán tình hình sản xuất tôm nguyên liệu nước này cũng sẽ giảm nhanh khi người nuôi tôm đối mặt với chi phí tăng và các khó khăn hiện hữu trong ngành tôm nước này.
Giải pháp cho chặng đường cuối năm
Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về xuất khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương
Để ổn định sản xuất, xuất khẩu tôm nguyên liệu đạt sản lượng cao vào các tháng cuối năm cần áp dụng một số giải pháp sau đây:
- Tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển ngành tôm nước lợ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân bổ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
- Hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát, tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm – lúa, tôm – rừng, tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao... để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất,
- Khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch ồ ạt, mật độ thả nuôi thưa, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán từ đó tăng hiệu suất đầu tư.
- Chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo nhu cầu của thị trường, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và ngươi nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp sản xuất phù hợp. Không để xảy ra tình trạng đại lý thu mua tung tin thất thiệt, ép giá người nuôi.
- Thực hiện cam kết giữa các bên trong chuỗi sản phẩm thủy ẩn để chủ động kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tận dụng hiệu các chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ.
- Thực hiện các biện pháp tăng sản lượng tôm nuôi, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Các tỉnh ĐBSCL tiếp tục duy trì ổn định diện tích thả nuôi tôm sinh thái, tôm - lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất và sản lượng để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định, nghị định và các văn bản hướng dẫn.