Ngày 14/12 tại Ninh Thuận, Tổng cục Thủy sản phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Nông nghiệp quốc tế Úc và Công ty Hải sâm Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Xây dựng cơ chế hợp tác phát triển chuỗi giá trị hải sâm cát nuôi bền vững".
Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, các sở ban ngành, các nhà khoa học và đông đảo bà con nông dân huyện Ninh Hải.
Làm chủ công nghệ sản xuất giống và nuôi hải sâm
Hải sâm có trên 1.400 loài, có giá trị dinh dưỡng cao, có giá trị về y học, dược học, do vậy những năm qua hải sâm đã bị khai thác quá mức trong môi trường tự nhiên và gần như bị tuyệt chủng. Để phục vụ nhu cầu của con người, hiện nay trên trế giới có hai loài hải sâm được nuôi chính gồm hải sâm cát và hải sâm Nhật Bản. Còn tại Việt Nam, các loài được nghiên cứu là hải sâm mít, hải sâm cát, hải sâm vú và hải sâm đen.
Hải sâm cát, đối tượng dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.P.
TS Nguyễn Đình Quang Duy, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III (Viện 3) cho biết, từ năm 1995, Viện đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm nuôi hải sâm và đến nay hải sâm cát đã được Viện 3 làm chủ công nghệ sản xuất con giống, nuôi thương phẩm trên quy mô sản xuất. Năm 2019, loài hải sâm vú tiếp tục được Viện 3 nghiên cứu thành công sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm.
Theo TS Duy, các kết quả nghiên cứu nuôi hải sâm cát trong ao tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa năng suất đều đạt 4 tấn/ha. Đặc biệt, dự án ACIAR nuôi ghép hải sâm cát với ốc hương, cá chim, thời gian nuôi 8 - 10 tháng, tỷ suất lợi nhuận đạt trên 70%.
“Thức ăn chính của hải sâm là phù du và chất hữu cơ có trong nước biển, do vậy nó được ví như máy lọc nước làm sạch môi trường. Ngoài ra, hải sâm cát cũng có thể nuôi ghép kết hợp với ốc hương, cá chim, cá dìa; nuôi luân canh với cá mú, tôm sú, tôm thẻ”, TS Nguyễn Đình Quang Duy nói và cho biết, nuôi hải sâm cát có nhiều lợi ích và phù hợp với chiến lược nuôi biển của ngành thủy sản, có giá trị kinh tế cao, chi phí nuôi thấp hơn so với các đối tượng khác, dễ quản lý và thân thiện với môi trường. Môi trường nuôi hải sâm cát tốt nhất là vùng nuôi có độ mặn ổn định, nhiệt độ từ 22 - 35 độ C, chất đáy là cát, cát bùn, pH từ 6,5 - 8.5 và thích hợp ở vùng đầm, vịnh kín gió.
Phát biểu tại hội thảo xây dựng cơ chế hợp tác phát triển chuỗi giá trị hải sâm cát nuôi bền vững, bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) cho biết, ACIAR có mặt tại Việt Nam 29 năm và đã thực hiện 243 dự án trị giá 157 triệu đô la Úc.
Trong chương trình ACIAR, các nhà khoa học của Úc và Việt Nam thực hiện các nghiên cứu khoa học giúp nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở vùng khó khăn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp.
ACIAR đã tham gia hỗ trợ tài chính và kết nối hợp tác với các nhà khoa học Úc trong các dự án nghiên cứu hải sâm cát do TS Nguyễn Đình Quang Duy và Viện 3 chủ trì trong 10 năm qua.
Các nghiên cứu của TS Duy và các đồng nghiệp đã giúp xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất giống hải sâm cát, nuôi thương phẩm, nuôi xen canh và luân canh với các loài thủy hải sản khác, giúp cải thiện môi trường nuôi và tăng thu nhập đáng kể cho người nuôi. Cũng trong chiến lược này, một ưu tiên khác của là liên kết với thị trường, thúc đẩy kết nối nông dân với các doanh nghiệp, phát triển chuỗi giá trị… thuộc Chương trình Nghiên cứu kinh doanh nông nghiệp của ACIAR.
Tạo sinh kế ổn định cho 3.500 hộ dân nhờ hải sâm
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là tỉnh giáp biển, sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển. Vùng ven biển Ninh Thuận là nơi gặp gỡ các dòng chảy nóng và lạnh, nền đáy biển lại có các rạn san hô có khả năng tự làm sạch nên chất lượng nước biển ở Ninh Thuận rất thích hợp cho sản xuất giống các đối tượng hải sản như tôm sú, tôm thẻ, cua, cá biển….
Tiềm năng phát triển hải sâm tại các vùng ven biển Nam Trung bộ là vô cùng lớn. Ảnh: M.P.
Để địa phương mạnh về biển, tỉnh Ninh Thuận chủ trương đưa ra các giải pháp như thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, có trách nhiệm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thủy sản; kỹ thuật sản xuất chuyển từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân trong liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư toàn bộ hoặc các khâu quan trọng, then chốt trong chuỗi giá trị, đồng thời hình thành mối liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học - nhà nước - doanh nghiệp.
Đối với hải sâm, theo ông Lê Huyền, tỉnh định hướng nghiên cứu xây dựng tạo đàn hải sâm cát bố mẹ chất lượng cao đủ cung cấp cho các trại sản xuất giống đạt chuẩn; nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất giống, chất lượng con giống; nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm hải sâm phù hợp cho từng địa phương, vùng nuôi theo quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp để đầu ra ổn định, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị nhằm đưa nghề nuôi trồng hải sâm cát bền vững, thân thiện môi trường và có tính cạnh tranh cao tại Việt Nam và thế giới.
Hải sâm cát có giá trị dinh dưỡng cao, có giá trị trong y học, dược học. Ảnh: K.S.
Để nghề nuôi hải sâm cát đạt hiệu quả cao, lãnh đạo UBND huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cam kết sớm quy hoạch vùng nuôi phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngư dân xây dựng chuỗi giá trị hải sâm cát nuôi tại đầm Nại; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết để mang lại hiệu quả cao; hỗ trợ thành lập các nhóm nông dân, HTX làm tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác có hiệu quả với doanh nghiệp...
Cũng theo lãnh đạo huyện Ninh Hải, để xây dượng chuỗi liên kết nuôi hải sâm hiệu quả, doanh nghiệp cần xây dựng được cơ chế hợp tác "5 nhà". Đồng thời, xây dựng mô hình điểm theo hình thức doanh nghiệp trực tiếp đầu tư quy mô một vài ha, trong đó ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sau đó sẽ mở rộng diện tích nuôi hải sâm, đồng thời phải cam kết đầu ra cho người dân.
Ông Lê Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty Hải sâm Việt Nam cho biết, hải sâm cát là đối tượng mới trong ngành thủy sản, có giá trị dinh dưỡng và dược học cao. Công ty được thành lập năm 2016 và là đơn vị đầu tiên đầu tư bài bản xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á, có công suất 900 tấn/năm.
Hải sâm cát được nuôi nhiều tại các tỉnh Nam Trung bộ. Ảnh: K.S.
Theo ông Nhàn, chiến lược của Công ty tại các tỉnh Nam Trung bộ đến năm 2025 là tạo thu nhập và công việc ổn định cho hơn 3.500 hộ dân và trở thành thủ phủ hải sâm cát. Để người dân Ninh Thuận an tâm đầu tư nuôi hải sâm cát, Công ty Hải sâm Việt Nam cam kết bao tiêu toàn bộ sản sản phẩm và đưa ra mức giá thu mua ngay khi thả con giống nên người nuôi có thể biết trước được lợi nhuận.
Theo ông Nhàn, đầm Nại (huyện Ninh Hải) được đánh giá là vùng nuôi chiến lược của Công ty vì các điều kiện khí hậu, môi trường rất thuận lợi. Công ty mong lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các cấp, ngành sớm có quy hoạch nuôi trồng hải sâm để Công ty triển khai liên kết với người dân, phát triển vùng nguyên liệu tại đây.
“Khi hợp tác với Công ty, người nuôi hải sâm cát có thu nhậ cao, bền vững. So với đối tượng khác, đầu tư nuôi hải sâm thấp, thời gian không phải chăm sóc nhiều, không đầu tư nhiều thức ăn. Công ty chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi hải sâm đạt hiệu quả nhất; cử cán bộ kỹ thuật bám sát vùng nuôi để đưa ra hướng xử lý kịp thời, bao tiêu sản phẩm.
Trong năm 2023, chúng tôi chọn các hộ nuôi hạt nhân tại đầm Nại để hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình mẫu dự kiến 3 - 5ha. Trong giai đoạn đầu, Công ty sẽ đầu tư con giống, thiết bị, lưới cho một số hộ để làm mô hình điểm”, ông Lê Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty Hải sâm Việt Nam cho biết.