Đào ao nuôi tôm tràn lan
Ông Nguyễn Văn Nhạn, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thuận (H.Bình Đại), cho biết mấy năm qua, việc nông dân đào ao nuôi tôm xuất hiện chủ yếu ở 2 xã Định Trung, Phú Long, nhưng hiện nay đã lan sang các xã Châu Hưng, Phú Thuận, thậm chí trên diện tích tiếp giáp với sông Ba Lai. Để có thể nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa, người dân đã khoan giếng để lấy nước mặn cho tôm sinh trưởng. Hàng trăm giếng nước mặn được “ngụy trang” rất kỹ, do người dân biết việc làm này là trái với quy hoạch.
Cũng theo lời ông Nhạn, chủ yếu các ao nuôi tôm chỉ trúng 1 - 2 năm đầu, còn về sau nông dân chuyển sang nuôi quảng canh, thậm chí bỏ hoang. Người dân làm vậy phần vì thấy cái lợi trước mắt, phần vì hệ thống đê bao chưa khép kín, nên nước mặn có thể xâm nhập sâu. “Đa số nông dân trong xã đào ao nuôi tôm là những hộ có diện tích đất ít hoặc có vị trí đất tiếp giáp kênh, mương... Do muốn đổi đời nên nhiều người đành nhắm mắt làm liều”, ông Nhạn cho biết thêm.
Ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Vang, cho biết toàn xã hiện có khoảng 200 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích khoảng 45 ha. Vào mùa nắng, độ mặn 10‰ gần như bao phủ toàn bộ diện tích của xã khiến năng suất của dừa và một số loại cây ăn trái khác giảm mạnh. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng hiện đang có giá khá cao. Tôm loại 40 con/kg được thương lái cân tại ao với giá từ 140.000 - 160.000 đồng. Theo một cán bộ khuyến nông địa phương, đây là loại tôm có khả năng thích nghi cao, chỉ cần nguồn nước đủ độ mặn 5‰ là có thể thả nuôi, thêm vào đó chúng có thời gian sinh trưởng rất ngắn, chỉ khoảng 70 ngày là thu hoạch… nên được nhiều nông dân chọn nuôi.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Theo ông Lê Văn La, Trưởng phòng NN-PTNT H.Bình Đại, toàn huyện có gần 600 ha mặt nước nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa. Nông dân đã khoan gần 900 giếng nước mặn để lấy nước cho các ao tôm này. “Đó mới chỉ là thống kê sơ bộ, con số thực tế có thể cao hơn”, ông La nhìn nhận.
Cũng theo ông La, xã Phú Long được xem là một bài học ngay trước mắt. Đây là xã thuộc khu vực quy hoạch ngọt hóa, nhưng nông dân thi nhau đào ao nuôi tôm từ năm 2010. Những năm đầu đa số các hộ đều trúng lớn, nhưng sau đó hầu hết bị thua lỗ do dịch bệnh. Sang năm nay, các hộ chuyển sang nuôi quảng canh. Thêm vào đó, việc dẫn nước mặn vào khu vực ngọt hóa đã làm ảnh hưởng đến các hộ trồng cây ăn trái xung quanh: dừa trái rụng hoặc teo tóp, ca cao không cho trái...
Chính vì vậy, Huyện ủy và UBND H.Bình Đại đã có chỉ đạo kiên quyết ngăn chặn và xử lý việc nuôi tôm biển trong vùng quy hoạch ngọt hóa. Theo đó, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan cần phối hợp với chính quyền địa phương triệt để trám lấp các giếng nước mặn, điều chỉnh diện tích ao nuôi tôm cho phù hợp với quy hoạch...
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Thới Lai, cho biết việc xử lý các hộ đào ao nuôi tôm tự phát hiện rất khó khăn. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ để cho người dân thu hoạch vụ tôm đang nuôi, sau đó mạnh tay lấp các giếng nước mặn; đồng thời vận động nông dân chuyển từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang tôm càng xanh hoặc một số loại cá nước ngọt.