Những ngày này, bà con xã Nhâm thuộc huyện vùng cao A Lưới tỏ ra hào hứng bởi nhóm sinh viên tình nguyện có mặt tại đây để nghiên cứu nguồn nước và tiến hành tập huấn cho bà con về phương pháp xử lý nước uống đơn giản, hiệu quả.
Ông Hồ Viết Đà (40 tuổi) trú tại thôn Nhâm 2 cho biết: “Bà con ở đây vui lắm. Mấy bữa nay, đoàn sinh viên dưới phố lên lấy mẫu nước để hướng dẫn người dân ở đây cách tạo ra nước sạch để tránh bớt bệnh tật…”.
“Mang SODIS đến vùng cao” là dự án nằm trong top 6 dự án đạt giải nhất tại vòng chung kết cuộc thi sáng tạo “Mùa hè nước 2015” do Trung ương Hội sinh viên VN phối hợp với một số đơn vị tổ chức. Với kết quả này, dự án được cấp 50 triệu đồng để thực hiện tại một số địa phương tại H.A Lưới.
Chủ nhân của dự án này là Nguyễn Hữu Long, sinh viên khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Huế. Long cho biết, SODIS là phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời được các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học công nghệ môi trường Thụy Sĩ (EAWAG) và Trung tâm Nghiên cứu nước và vệ sinh môi trường cho các nước đang phát triển ở Thụy Sĩ (SANDEC) nghiên cứu từ năm 1991.
Cách thức thực hiện SODIS rất đơn giản, chỉ cần đổ nước trong vào các chai nhựa trong bằng vật liệu PET là các chai nước suối, nước ngọt… Sau đó, mang những chai nước này phơi dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian khoảng sáu giờ vào thời điểm nắng gắt nhất, khoảng từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Các gia đình phải đi làm sớm có thể phơi từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Cơ chế tiêu diệt vi sinh vật trong chai diễn ra nhờ tác động cộng hưởng của tia cực tím và tia hồng ngoại có trong ánh sáng mặt trời. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như đơn giản, ít tốn kém, giảm tối đa nguy cơ tái nhiễm khuẩn vì nước đã qua xử lý được đựng trong chai và sau đó rót ra cốc uống trực tiếp...
“Những lần đi tình nguyện hè ở các huyện miền núi, chứng kiến cảnh nhiều người dân vẫn chưa có đủ nguồn nước sạch để dùng, mình đã nảy ra ý tưởng này. Mình đã quyết định lên kế hoạch cho dự án và mang dự án đi dự thi để có cơ hội hiện thực nó. Dự án sẽ giúp hơn 1.000 người dân một số xã khó khăn tại H.A Lưới tiếp cận với phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời. Từ đó, ngăn ngừa và giảm thiểu tỉ lệ mắc các bệnh tiêu hoá, da liễu ở trẻ em cũng như người dân, góp phần cải thiện nguồn nước, bảo vệ môi trường…”, Long chia sẻ.
Dự án chính thức khởi động từ ngày 9.7 đến 15.9 với tổng kinh phí hơn 85 triệu đồng. Trong đó, kinh phí từ giải thưởng là 50 triệu, còn lại do các nhà tài trợ đóng góp. Đặc biệt, dự án có sự tham gia cộng tác của đông đảo sinh viên đến từ các trường ĐH trên địa bàn TP.Huế. Giai đoạn đầu sẽ tổ chức nghiên cứu hiệu quả, khả năng áp dụng và nhân rộng phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời tại xã Nhâm.
Tiếp đến, sẽ mở khoá tập huấn giới thiệu SODIS cho hơn 100 hộ và triển khai thí điểm thực tế cho hơn 10 hộ gia đình tại đây. Sau đó, sẽ tổ chức ngày hội thúc đẩy, lan toả và nhân rộng SODIS cho sinh viên, đoàn viên thanh niên tỉnh Thừa Thiên-Huế.