Theo đó sẽ triển khai thí điểm từ năm 2015-2017 đối với cây lúa, vật nuôi và dừng triển khai đối với bảo hiểm thủy sản (tôm, cá).
Thành công bước đầu từ thí điểm
Thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình thí điểm BHNN đã được triển khai từ năm 2011-2013 và sau 3 năm chương trình đã đạt những thành công bước đầu.
Theo đó, đã có 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN. Trong đó, xét về diện hộ có 233.361 hộ nghèo (chiếm 76,8% tổng số hộ tham gia bảo hiểm), 45.944 hộ cận nghèo (chiếm 15,1%), 24.711 hộ thường (chiếm 8,1%), 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN. Xét về đối tượng bảo hiểm có 236.397 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm cây lúa; 60.133 hộ nông dân tham gia bảo hiểm vật nuôi; 7.487 hộ nông dân tham gia bảo hiểm thủy sản.
Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng, trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi 2.713,2 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm thủy sản 2.883,7 tỷ đồng. Số tiền bồi thường là 712,9 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng.
Báo cáo tổng kết chương trình thí điểm BHNN đã nêu rõ, các cơ chế chính sách triển khai thí điểm BHNN đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ và cũng đã kịp thời sửa đổi, bổ sung những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tạo điều kiện cho việc thực hiện thí điểm BHNN. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện đã quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, tập hợp được các lực lượng cùng tham gia; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh…
Đặc biệt, có thời điểm tổn thất xảy ra đồng loạt với quy mô lớn nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đã kịp thời giải quyết bồi thường cho người dân, giúp người dân vượt qua khó khăn sớm ổn định sản xuất, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Điều này một lần nữa khẳng định sự đúng đắn về chính sách của Đảng và Nhà nước và ghi nhận những nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong chương trình thí điểm BHNN.
Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013, hầu hết các địa phương và người nông dân đều mong muốn tiếp tục chương trình thí điểm. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có ý kiến chỉ đạo về việc tiếp tục thí điểm BHNN theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ 2015 - 2017, tiếp tục thí điểm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi
Bộ Tài chính cho biết, triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc tiếp tục thí điểm BHNN.
Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm BHNN đối với cây lúa, vật nuôi tại các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 315/QĐ-TTg. Mở rộng bảo hiểm trâu, bò tại các huyện của tỉnh Hà Giang và dừng triển khai bảo hiểm thủy sản (tôm, cá) vì rủi ro, trục lợi bảo hiểm.
“Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính về phương án tiếp tục bảo hiểm trong nông nghiệp nhưng không tiếp tục thực hiện bảo hiểm thủy sản (tôm, cá)”, báo cáo nêu rõ.
Mức hỗ trợ phí bảo hiểm, cách thức tổ chức dự kiến sẽ thực hiện như Quyết định 315/QĐ-TTg và Quyết định 358/QĐ-TTg: Hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo tham gia thí điểm BHNN sẽ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm… Thời gian từ năm 2015 đến hết năm 2017 (các hợp đồng bảo hiểm ký kết đến hết ngày 31/12/2017); tổng kết, đánh giá trong năm 2018.
Theo các chuyên gia trong ngành, những rủi ro khó lường trong sản xuất nông nghiệp, nhất là rủi ro thiên tai, dịch bệnh... đã và đang làm đời sống của người nông dân bấp bênh, việc tiếp tục thực hiện thí điểm BHNN là vô cùng cần thiết, góp phần đảm bảo đời sống của người nông dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, thông qua thí điểm BHNN sẽ tạo cho người sản xuất nông nghiệp có thói quen và ý thức tuân thủ quy trình sản xuất, chăn nuôi, canh tác theo hướng hiện đại hóa. Đây cũng là mục tiêu cơ bản mà ngành Nông nghiệp muốn đạt được./.
Mới đây tại Hội thảo “Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công – tư tại Việt Nam, bà Maria José Pro, Cơ quan bảo hiểm nông nghiệp Tây Ban Nha (ENESA) cho rằng, muốn triển khai BHNN thành công cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ. Bà Maria José Pro khẳng định ở Tây Ban Nha, thời gian đầu mới triển khai BHNN, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất lớn sau đó giảm dần. Tại một số nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ đều hỗ trợ BHNN dưới hai hình thức chính: Phí bảo hiểm (ít nhất là 50% phí bảo hiểm) và hỗ trợ một phần chi phí cho DNBH…