Tình hình sử dụng ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản
Với giá thành rẻ, tác dụng chống oxy hóa cao, nên ethoxyquin được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất thức ăn thủy sản tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Do đó, cấm hẳn việc sử dụng ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản là khó khả thi. Tuy nhiên để đảm bảo sản phẩm nuôi trồng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường NK về VSATTP, cơ quan quản lý cần có những khuyến nghị thích hợp đối với người sản xuất và chăn nuôi đối với việc sử dung thức ăn có chứa ethoxyquin.
Để làm cơ sở đưa ra những khuyến cáo như vậy, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định Nuôi trồng Thủy sản đã được Tổng cục Thủy sản giao nhiệm vụ “Khảo sát và thử nghiệm thời gian tồn lưu của ethoxyquin trong tôm nuôi thương phẩm”.
Đã tiến hành thu mẫu thức ăn tôm tại các đại lý và cơ sở nuôi tôm thương phẩm ở một số địa phương trọng điểm về sản xuất thức ăn và nuôi tôm công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả phân tích 90 mẫu thức ăn được thu tại một số nhà máy sản xuất thức ăn tôm có thị trường cho thấy hầu hết các loại thức ăn (tỷ lệ 92,3% số mẫu) đều có chứa ethoxyquin .
Tuy nhiên, hàm lượng ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm nói riêng giảm dần theo giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi, phần lớn có hàm lượng ethoxyquin trong khoảng 58-100 ppm. Chưa phát hiện thức ăn có hàm lượng ethoxyquin cao hơn 128,84 ppm.
Kết quả khảo sát và phân tích cũng cho thấy, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện một số loại thức ăn dùng cho tôm nuôi giai đoạn thương phẩm có hàm lượng ethoxyquin rất thấp (khoảng 27,02 - 79,53 ppb).
Nhóm nghiên cứu đã chọn 6 vùng nuôi tại Bạc Liêu để theo dõi mức độ tồn lưu của ethoxyquin trên tôm nuôi thương phẩm. Kết quả cho thấy, với các loại thức ăn chứa hàm lượng ethoxyquin thấp (27,02-79,53 ppb), dư lượng ethoxyquin trong tôm thương phẩm là không có (dưới ngưỡng phát hiện của phương pháp và thiết bị) hoặc rất thấp. Đối với các loại thức ăn có hàm lượng cao hơn, tùy thuộc vào nồng độ ethoxyquin trong thức ăn, dư lượng ethoxyquin trong tôm thương phẩm có thể phát hiện ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, dư lượng ethoxyquin trong tôm thương phẩm sẽ bị thải loại hoàn toàn trong thời gian 4-5 ngày sau khi ăn tùy theo hàm lượng có trong thức ăn thử nghiệm.
Thí nghiệm cũng cho thấy, khi thay đổi từ thức ăn có ethoxyquin sang thức ăn không có ethoxyquin, không phát hiện thấy sự ảnh hưởng về sự sinh trưởng và phát triển của tôm, cũng không có sự khác biệt về hàm lượng tích tụ ethoxyquin và thời gian tồn dư ethoxyquin trong cả tôm sú và tôm chân trắng.
Các biện pháp quản lý
Từ các kết quả thí nghiệm và tham khảo qui định của các thị trường NK như Nhật, EU,… các cơ quan hữu quan bước đầu có thể thực hiện một số biện pháp quản lý đối với thức ăn nuôi thủy sản, nhằm hạn chế rào cản về VSATTP của các thị trường NK.
Trước hết, cần quy định các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản nói chung (kể cả các chất bổ sung vào thức ăn, dầu cá,…) không sản xuất loại thức ăn có hàm lượng ethoxyquin lớn hơn 150ppm và phải ghi rõ hàm lượng ethoxyquin trên bao bì sản phẩm, đồng thời công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Cơ quan quản lý bổ sung chỉ tiêu ethoxyquin trong kiểm tra chất lượng thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.
Đồng thời, cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người nuôi việc sử dụng thức ăn có chứa ethoxyquin đúng phương pháp nhằm đáp ứng yêu cầu VSATTP cho sản phẩm nuôi.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh tôm năm 2012 và triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2013, tổ chức tại Bến Tre ngày 12/12/2012, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói Bộ đang đấu tranh để tháo gỡ những khó khăn về vấn đề thị trường, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến ethoxyquin; nhưng phải đấu tranh trên tinh thần để bán được nhiều hàng hơn chứ không phải để mất thị trường. DN và hộ sản xuất trong nước cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng ethoxyquin có trong tôm nguyên liệu, chẳng hạn, cho tôm ăn thức ăn không chứa ethoxyquin trước khi thu hoạch một thời gian. Mặt khác, Bộ NN&PTNT cũng tích cực đàm phám với phía Nhật Bản để yêu cầu xem xét lại vấn đề cảnh báo đối với chất ethoxyquin.
Rõ ràng, vấn đề ethoxyquin cần một giải pháp toàn diện, kết hợp cả các mặt kỹ thuật, quản lý, tuyên truyền giáo dục người sản xuất trong nước và phối hợp, đấu tranh với cơ quan quản lý ở thị trường NK.