Các quan chức của EU cho biết các biện pháp trừng phạt Faroe là bước đầu tiên hướng tới các biện pháp tương tự đối với Iceland, trong suốt cuộc tranh luận kéo dài về số lượng cá thu được đánh bắt là bao nhiêu. Tình hình căng thẳng này được so sánh với “cuộc chiến cá tuyết” của những năm 1950-1970.
Trước tình hình trên, Iceland và quần đảo Faroe đã lên tiếng cáo buộc EU đang vi phạm luật biển quốc tế.
Thủ tướng quần đảo Faroe Kaj Leo Holm Johannesen nói rằng “các biện pháp cưỡng chế kinh tế” của EU đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và điều này khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn cho các bên để đạt được một thỏa thuận tại cuộc đàm phán khu vực về quản lý cá trích, dự kiến diễn ra trong tháng tới.
Song, Ủy ban châu Âu (EC), các quan chức EU lý giải họ đã làm hết sức để giải quyết vấn đề này và họ cần phải hành động để bảo vệ nguồn cá, được gọi là kho dự trữ cá trích Atlanto-Scandian.
Cho đến nay, nguồn cá trích Atlanto-Scandian do Na Uy, Nga , Iceland , quần đảo Faroe và EU cùng phối hợp quản lý.
Cao ủy Hàng hải và Nghề cá của EC Maria Damanaki nhận định: “Việc áp đặt các biện pháp trên được xem là phương sách cuối cùng. Faroe có thể ngừng việc đánh bắt cá bất thường, nhưng họ đã không làm vậy.”
Các biện pháp trên sẽ có hiệu lực sau bảy ngày, kể từ ngày công bố./.