* Cải tạo đầm hoang
Mồ côi cha khi còn nhỏ, năm 14 tuổi, ông Ân được mẹ gửi đến nhà người chú học nghề thợ bạc. Khi tay nghề đã vững, ông cùng một người bạn trong xóm hùn vốn mở tiệm gia công đồ trang sức cho các chủ tiệm vàng trong vùng. Công việc làm ăn đang đà thuận lợi thì giữa ông Ân và người bạn mâu thuẫn trong quan điểm nghề. “Thằng bạn chê tui thật thà, không biết gian lận nên suốt đời chỉ là thằng thợ bạc quèn. Tui tức quá cãi cọ với nó mấy ngày liền và sau đó đường ai nấy đi. Khi nghề thợ bạc làm ăn ế ẩm, tui bỏ luôn nghề để quay sang nuôi heo nái” - ông Ân kể lại.
Sau vài lứa heo thành công, ông Ân bắt đầu đẩy mạnh việc nuôi heo thịt. Đến khi ông nhân đàn heo thịt và heo nái lên hàng chục con trong chuồng thì gặp lúc lúa gạo đắt đỏ, heo con không bán được. Vì vậy, sau khi xuất bán đàn heo cuối cùng, ông quyết định ra khu đất bỏ hoang (thuộc KP.5, phường Bửu Hòa), cách nhà hơn 1km dựng một chiếc chòi nhỏ để bám trụ trồng lúa, thả cá, nuôi gà. “Đó là thời điểm năm 1989, sau khi tui lấy vợ được 3 năm mà tay trắng vẫn trắng tay. Khu đất này, lúc ấy không có ai ở nên tứ bề vắng hoe. Tuy vậy, lòng tui đã quyết ra đây khai khẩn thì không ai cản được” - ông Ân tâm sự.
Trước khu đất bỏ hoang lau sậy mọc đầy dọc bờ sông Đồng Nai, đỉa thì nhung nhúc trong nước, ông Ân vẫn kiên trì bám trụ vỡ đất. 5 giờ sáng, khi mọi người còn đang ngon giấc, ông lầm lũi một mình vác phảng ra khu đầm lầy bằm lớp cỏ dày theo từng ô ngang dọc. Gặp lúc nước lớn, ông dùng sức kéo lên bờ, chất thành đống để trồng chuối. Nước ròng thì ông lợi dụng sức nước tống cỏ ra sông. Với những chỗ cạn, ông cải tạo thành ruộng một vụ lúa, một vụ cá. Riêng những chỗ nước sâu, ông đắp đập làm đìa dẫn dụ tôm, cá tự nhiên từ sông vào để nuôi. Khu đất cao hơn thì ông móc bùn dưới đìa lên tạo vườn nuôi gà, trồng chuối. “Đỉa lúc ấy nhiều lắm. Dù tui lấy dây thun cột chặt hai ống quần, thắt lưng, tay áo, nhưng chúng vẫn chui vào được trong người tui để hút no máu mới chịu nhả ra. Mỗi buổi làm, tui bắt đỉa được gần hai ấm uống nước đó” - ông Ân kể.
Làm việc quần quật một mình nơi đầm hoang suốt 5 năm, ông Ân bắt đầu có những vụ lúa bội thu, những đợt xả đìa đầy ắp tôm, cá, gà thì nuôi đầy nơi gò cao, đậu nhảy tứ tung trên cây. “Từ ngày khai phá khu đầm hoang trồng lúa, thả cá, nuôi gà, tui bắt đầu có của ăn, của để. Lúa lúc nào cũng đầy bồ, còn cá, tôm thì tuần nào cũng có mối lái đến cân. Thấy công việc làm ruộng của tui có chiều hướng tấn tới, vợ tui mới thôi công việc chạy chợ ra đây phụ một tay. Cũng từ đó, tui đẩy mạnh việc nuôi lươn, nuôi cá đồng và mướn công thợ chở đất về lấp bớt ao để tạo vườn” - chỉ tay vào khu vườn chuối, mì xanh tốt trước mặt, ông Ân nói.
* Tiền tỷ nhưng vẫn thích làm nông
Sau khi biến khu đất đầm lầy thành 3,4 hécta ruộng lúa, ao cá, vườn, ông Ân không ngần ngại tặng vợ chồng người em gái 8 sào đất để làm kế mưu sinh. Cũng từ đây, ông tập tành kiểu nuôi lươn... không giống ai. “Thấy người ta sản xuất ra lu đựng nước có giá rẻ, tui nghĩ ra cách nuôi lươn trong lu thay cho việc xây bể. Mỗi lu tui bỏ một lớp bùn dày 3 tấc, nước thì cho vào khoảng nửa lu rồi thả vào 1kg lươn giống. Sau 4 tháng nuôi, mỗi lu cho được 10kg lươn thịt” - ông Ân cho hay.
Nông dân Trần Văn Ân và mô hình nuôi ếch trong lưới.
Ngoài việc nuôi lươn trong lu, ông còn sáng tạo cách nuôi ếch trong lưới. Để kích thích ếch đẻ, ông nghĩ cách tạo mưa và sấm sét nhân tạo rất độc đáo. Ông kể: “Cứ canh lúc chuyển trời thì tui cho điện phát sáng chớp chớp và bơm nước tạo mưa, làm lũ ếch đồng tưởng mưa thật, tranh nhau đẻ trứng. Nhờ đặt lưới nuôi trong ao có nước ra vào hàng ngày nên tui nuôi nhiều gấp đôi so với mật độ nuôi trong bể mà ếch vẫn lớn như thường”.
Cá ở dưới nước, lươn trong lu, ếch ở trong lưới, gà vịt thì tung tăng trên gò cao…, càng làm ông Ân càng hứng chí làm giàu. Có tiền triệu trong tay, ông bắt đầu xây cho mẹ già nếp nhà mới, chăm con ăn học. Nhưng đùng một cái, dịch cúm gia cầm bùng phát làm gà, vịt tiêu tan, rồi công ty khai thác đá gần đó làm môi trường nước ô nhiễm. Vì vậy, ông buộc phải thu hẹp chuyện chăn nuôi, chuyển qua việc vá vỏ xe tải trước nhà và từng bước lấp bớt các ao cá để mở rộng vườn. “Mãi đến năm 2010, khi hầm đá đóng cửa, tui mới bỏ nghề vá vỏ xe, tập trung trở lại việc chăn nuôi ếch, cá, gà, vịt, nhím, chồn. Khi mỏ đá đóng cửa, khu đất của tui được một đại gia vào trả giá trên 23 tỷ đồng. Nhưng tui đã lắc đầu từ chối, vì tui vẫn còn khoái cảnh sau một ngày lao động được nằm thẳng cẳng ngủ khì một giấc giữa bốn bề sông nước, hơn là ở trong nhà máy lạnh kêu rè rè” - ông Ân thổ lộ.
Rồi ông dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn tiền tỷ của mình. Vừa đi, ông vừa giải thích, ông chỉ trở thành đại gia khi bán đất, còn giá trị cây trồng, vật nuôi trong vườn không quá 200 triệu đồng nếu ông bán tống, bán tháo 30 con chồn hương, 12 con nhím, 10 ngàn con ếch, 200 con vịt, 100 con gà, 30 con heo nái và thịt. “Người ta chê tui khùng, không thích an nhàn mà chỉ thích lội nước, ngủ vườn. Tui thì mặc kệ, vì mỗi người một quan điểm sống. Tui còn sức thì còn làm, bán đất trở thành đại gia, nhưng ăn không, ngồi rồi thì tiền núi cũng hết. Còn đất, mình cần mẫn làm để góp nhặt tiền lẻ vẫn thấy an tâm hơn và còn cái để sau này phân chia cho con cái” - ông Ân giải thích lý do vì sao ông không chịu bán đất.