Thành quả không đến một cách ngẫu nhiên, mọi thứ có được xuất phát từ sự bạo dạn trong tư duy cũng những người cầm cương…
Biến đất khó thành mỏ vàng
Về đất Thịnh Sơn, nhắc tên “vua cá” Trần Văn Minh, cánh chim đầu đàn của HTX Giống thuỷ sản Đô Lương tất thảy đều trầm trồ thán phục. Trong mắt họ ông là người dám nghĩ dám làm, sự bạo dạn cùng tư duy nhạy bén đã tạo dựng nên cơ nghiệp.
Cuộc đời ông Trần Văn Minh trải qua nhiều thăng trầm. Thời trai trẻ, theo tiếng gọi non sông ông lên đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) và bảo vệ biên giới phía Bắc (1979). Hòa bình lập lại ông chuyển về làm công nhân tại Cty CP cá nước ngọt Nghệ An, sau gần 30 năm miệt mài cống hiến, ông nghỉ hưu theo chế độ.
Nhà đông miệng ăn, lắm thứ phải chi tiêu thành thử đồng lương hưu èo uột của vợ chồng không sao kham nổi. Bằng mọi cách phải thoát nghèo, định bụng như thế nhưng làm thế nào, xoay xở ra sao với số ít bạc lẻ trong tay là cả một vấn đề. Bàn đi tính lại, ông quyết định thầu diện tích… chó ăn đá gà ăn sỏi, vốn là một lò gạch cũ đã bỏ hoang nhiều năm để lập nghiệp.
Trên nền đất ngổn ngang, nham nhở ấy, ngày đêm hai vợ chồng cùng các con lọ mọ xắn tay vào công cuộc cải tạo. Mồ hôi, nước mắt rồi cũng đổi lấy thành quả tương xứng. Sau 3 năm miệt mài gắng sức sự sống đã hồi sinh trên vùng đất cằn. Không chỉ trồng cây ăn quả gia đình còn dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, tận dụng quỹ đất thâm canh thêm cây lúa. Khi áp lực kinh tế phần nào được giải tỏa, ông Minh tính đến phương án nhằm cụ thể hóa mục tiêu chính ấp ủ bấy lâu: Làm giàu từ cá!
“Thú thực ban đầu tôi rất băn khoăn, mình vốn dĩ là nông dân thuần túy, giờ tập tành làm ông chủ vừa tiến hành sản xuất, vừa trực tiếp giao dịch giữa thời buổi cơ chế thị trường đầy tính cạnh tranh đâu phải chuyện dễ dàng. Rào cản lớn nhưng xét thấy thuận lợi cũng nhiều, đầu tiên là sự quan tâm, động viên của các cấp ngành, của chính quyền địa phương. Sau nữa là thế mạnh về vùng nuôi, nơi đây có hệ thống trạm thủy nông, có kênh Bàu Vua chảy qua nên vấn đề nước tưới cơ bản được giải quyết”.
Mô hình nuôi cá trắm, chép giòn bước đầu cho kết quả cao
“Nghề này gian truân, vất vả lắm, không có chuyện ngồi chơi xơi nước đâu. Nhiều bận xe hỏng dọc đường, cá thiếu ô-xy chết như ngả rạ, thành thử mất cả chì lẫn chài. Trải qua lắm phen trầy trật nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ bỏ nghề, đi riết rồi cũng quen, cứ nỗ lực rồi thành quả sẽ đến thôi”, ông Minh cười giòn tan.
Năm 2014 huyện Đô Lương thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công, nhận thấy thời cơ chín muồi đã đến ông Minh quyết định thầu thêm 4 ha đất, đồng thời bỏ trồng lúa chuyển hẳn sang nuôi cá. Thời gian đầu chỉ chuyên nuôi thương phẩm, về sau chuyển từng bước sang sản xuất cá giống đủ chủng loại loại (trắm đen, trắm cỏ, trôi, mè hoa, chép, trê lai, rô phi đơn tính...). Chuyên môn vững vàng, lại áp dụng đúng quy trình nên sản phẩm làm ra nhanh chóng đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, cứ thế lượng khách quen ngày một tăng lên theo cấp số nhân, doanh thu của HTX chuyển biến rõ rệt.
Hổ phụ sinh hổ tử
Nhiệt huyết hãy còn tràn đầy nhưng cái tuổi nó đuổi xuân đi, mái tóc hoa râm đã điểm bạc thêm vài phần, nhận thấy không còn đủ sức gồng gánh được như xưa, ông Trần Văn Minh dần lui vào hậu trường, nhường sân khấu lại cho chính con trai mình, anh Trần Văn Hiền.
Bản thân Hiền không phải là tay mơ, anh được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bài bản tại trường Đại học Nha Trang. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chỉ sau vài năm ngắn ngủi tiếp quản cơ ngơi đồ sộ của cha mình để lại, gã trai tính cách phong trần, tuổi đời chưa chớm 40 nhanh chóng thể hiện được trình độ, năng lực điều hành vượt trội.
Trên cơ sở nền móng sẵn có, Hiền mạnh dạn huy động nguồn vốn nhân rộng quy mô lên hàng chục ao đầm, mỗi ao đảm bảo diện tích 2.000 - 2.500 m2, tiến hành mua sắm phương tiện, trang bị đồng bộ hệ thống nhằm phục vụ quá trình vận chuyển hàng được thông suốt (thùng, bạt, bình ô xy, máy sục khí, đá lạnh)… ước tổng kinh phí đầu tư ngót 7 tỷ đồng.
Bạo dạn không đồng nghĩa với chủ quan, xuyên suốt quá trình thực hiện từng đường đi nước bước đều được Hiền tính toán tỷ mẩn dựa trên kế hoạch bài bản và khoa học, thành quả cứ thế đến như một lẽ tất yếu. Không những chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại khu vực miền Tây xứ Nghệ, HTX Giống thuỷ sản Đô Lương còn là địa chỉ đáng tin cậy trong mắt bạn hàng khắp Nam chí Bắc, từ Thanh Hóa vào đến Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, thậm chí còn vươn tận sang nước bạn Lào xa xôi.
Trần Văn Hiền (áo đen) có được nhiều thành công trong nghề
Lý giải về quyết định làm ăn tất tay, ông chủ trẻ Trần Văn Hiền khẳng định: “Đam mê là yếu tố tiên quyết, phải yêu nghề, sống chết với nghề mới mong thành công. Cùng với đó, phải thừa nhận Nghệ An là mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển ngành nghề thủy sản, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thiết thực để tạo động lực kích cầu, điều này thực sự cần thiết trong xu thế mới”.
Những con số thông kê đã nói lên tất cả, trung bình mỗi năm cơ sở của Trần Văn Hiền đều đều xuất ra thị trường 70 - 80 tấn cá giống, riêng năm 2018 nhảy vọt lên 100 tấn. Công việc kinh doanh ngày càng chuyển biến thuận lợi giúp HTX có điều kiện giải quyết ổn thỏa số tiền khổng lồ đã vay trước đó, nếu tính toán chi ly toàn bộ công nợ của các đối tác, đơn vị còn dôi dư một khoản kha khá. Với diễn biến tình hình lúc này, tương lai phía trước vô cùng sán lạn.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, gã trai phong trần không chút giấu diếm: “Bên cạnh chất lượng con giống, nguồn nước đóng vai trò sống còn, người nuôi phải nắm vững được quy luật đổi dòng để kịp thời có phương án ứng phó phòng khi cấp bách. Giống truyền thống (chép, mè, trôi, trắm…) cơ bản phù hợp với điều kiện tự nhiên nên quá trình ương gièo không quá vất vả, tỷ lệ rủi ro ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên đối với con giống đặc sản như cá lăng hay cá leo lại là chuyện khác, nếu tiết trời quá lạnh phải gia cố thêm bèo tấm đảm bảo phủ kín 2/3 mặt hồ, ngoài ra có thể kết hợp tạo màu bằng cách thêm đạm, lân, phân hữu cơ”.
Độc đáo mô hình trắm, chép giòn
Được sự hỗ trợ về giống của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, giữa tháng 8/2018 gia đình Trần Văn Hiền tiến hành thả 1.750 con trắm, chép giòn, kích cỡ từ 1,5 - 1,7 kg/con. Sau quãng thời gian hơn 3 tháng tích cực chăm bẵm, cá trong đầm phát triển ổn định, tỷ lệ con sống duy trì ở mức cao, hiện trọng lượng cá dao động bình quân từ 3 - 4,5 kg/con.
Trắm, chép giòn tương đối dễ nuôi, rào cản lớn nhất là vấn đề kinh phí. Thực tế giá cả con giống khá chát (khoảng 90.000đ/con), tương tự là chi phí thức ăn. Khác với thông thường, khẩu phần chính của trắm, chép giòn là đậu tằm có xuất xứ từ Úc, giá mỗi kg là 28.000 đồng. Giai đoạn đầu mỗi ngày tiêu tốn khoảng 5kg đậu tằm, thời gian sau đó tăng dần quy mô lên gấp đôi. Dự kiến trên diện tích hiện tại, riêng chi phí thức ăn rơi vào khoảng 250 triệu/vụ, cộng với chi phí đầu vào, nhân công, cải tạo… tổng tiền dao động từ 450 - 500 triệu đồng/vụ.
Công cán dù tốn kém nhưng thị trường rất hứa hẹn, với giá trên dưới 200.000đ/kg, nhẩm tính tổng doanh thu hoàn toàn có thể đạt mức 1 tỷ đồng, trừ tất tần tật lãi ròng phân nửa.
Theo ông Tạ Quang Sáng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình nuôi cá trắm, chép giòn của anh Trần Văn Hiền dù mới triển khai nhưng kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Hiện sản phẩm đã được chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.