Như để chứng minh cho lời mình nói, anh Trần Mai Son đã đưa ra những con số khá ấn tượng về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản cũng như phát triển trang trại, gia trại trên cát mà xã Triệu Lăng đã đạt được trong năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015. Hiện tại, toàn xã Triệu Lăng có 265 thuyền máy với tổng công suất 3.445 CV. Trong năm 2014, sản lượng đánh bắt của xã Triệu Lăng đạt 336,5 tấn, trong đó các loại thủy hải sản phục vụ xuất khẩu như cá, mực, ghẹ, ốc biển... đạt 105 tấn; cá, ruốc các loại đạt 231,5 tấn. Trong 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng đánh bắt thủy hải sản của xã Triệu Lăng đạt 285,2 tấn, trong đó thủy hải sản phục vụ xuất khẩu như cá, mực, ghẹ, ốc biển... đạt 53,2 tấn; cá, ruốc các loại đạt 232 tấn. Về nuôi trồng thủy sản, hiện xã Triệu Lăng có khoảng 75 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2014, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt 513 tấn (doanh thu từ nuôi trồng thủy sản mang lại cho người dân trên địa bàn xã Triệu Lăng là 75 tỷ đồng và góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động). Trong 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản của xã đạt 133,5 tấn (doanh thu mang lại cho người dân là 15, 2 tỷ đồng).
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Triệu Lăng giàu lên nhờ nuôi tôm trên cát mà điển hình như hộ ông Phan Văn Tụy nuôi tôm trên diện tích 1,5 ha với thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí là khoảng 300 – 500 triệu đồng; ông Trần Xuân Quý nuôi tôm trên diện tích 1 ha với thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí là khoảng 200 – 300 triệu đồng... Bên cạnh đó, xã Triệu Lăng cũng chú trọng việc khuyến khích người dân phát triển ngành nghề chế biến thủy hải sản, nhất là chế biến nước mắm. Vừa qua, làng nghề nước mắm Gia Đẳng được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống để khẳng định chất lượng sản phẩm của địa phương. Hiện làng Gia Đẳng có 3 cơ sở sản xuất nước mắm quy mô lớn, một tổ hợp tác và 186 hộ chế biến nước mắm. Bình quân hàng năm, làng nghề Gia Đẳng thu mua từ 500 - 600 tấn cá, chợp tại địa phương để chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ trên 600.000 lít nước mắm. Nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế hộ gia đình. Ngoài đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, hiện nay nhiều người dân của xã Triệu Lăng bắt đầu ra vùng cát trắng bạc màu để đầu tư vốn xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi, điển hình như hộ anh Nguyễn Trong (thôn 5) xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp với thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng/ năm; anh Nguyễn Hùng (thôn 5) xây dựng mô hình gia trại chăn nuôi lợn với thu nhập khoảng 80 - 100 triệu đồng/ năm; chị Nguyễn Thị Trâm (thôn 6) với mô hình gia trại chăn nuôi, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm...
Anh Trần Mai Son cho biết thêm: “Lâu nay, khi nói đến vùng biển bãi ngang là người ta nghĩ ngay đến những chiếc thuyền bé nhỏ không đủ sức vươn khơi nên sản lượng đánh bắt thủy hải sản rất thấp. Nhưng ngư dân xã Triệu Lăng hiện tại đang biến những hạn chế ấy thành lợi thế bằng việc du nhập nhiều loại hình ngành nghề đánh bắt thủy hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như lưới ba, lưới hai, lưới mực, lưới đánh ghẹ, lừ mực lá, dã tôm....Cứ linh hoạt theo mùa mà sử dụng loại hình đánh bắt hải sản phù hợp. Còn thuyền nhỏ thì hạn chế người “đi bạn” nên khi đánh bắt được mẻ cá, tôm...ngư dân xã Triệu Lăng hưởng “trọn gói”. Nhiều ngư dân ở xã Triệu Lăng giàu lên nhờ đánh bắt thủy hải sản gần bờ bây giờ không còn là chuyện hiếm. Đơn cử như hộ ông Trần Phụ, Trần Phí, Nguyễn Bơn (thôn 6) mỗi năm có thu nhập khoảng 50 - 100 triệu đồng từ đánh bắt thủy hải sản”.
Những năm trở lại đây lượng khách về tắm biển vào mùa hè ở Khu dịch vụ du lịch Nhật Tân đang có xu hướng tăng lên. Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu Khu dịch vụ du lịch Nhật Tân. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 28.905 triệu đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ là 18 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách phân cấp huyện quản lý để xây dựng đường giao thông vào khu du lịch với tổng chiều dài tuyến 862,34 m được bê tông nhựa, bê tông xi măng tùy theo từng đoạn; hệ thống cấp điện; hệ thống thoát nước và bảo vệ môi trường. Thời gian thực hiện dự án 3 năm (từ năm 2014- 2016) do UBND huyện Triệu Phong làm chủ đầu tư. Hiện tại, nhiều hàng mục thi công đang được gấp rút hoàn thành. Rồi đây, bãi tắm biển của xãTriệu Lăng sẽ được “đánh thức” để thu hút thêm nhiều khách du lịch đến tắm biển, nghỉ dưỡng. Và đây cũng sẽ là một “mũi nhọn” để phát triển kinh tế của xã Triệu Lăng cùng với đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi trên cát.