Ông Phạm Thanh Hiền ở Ấp 10A, xã Trần Hợi là một trong những người có thâm niên nuôi cá bổi khá lâu, hơn 10 năm nay, chưa lúc nào ông cảm thấy khó khăn như hiện nay. Ông lo lắng: "Trước đây, con cá bổi giúp nhiều người có cuộc sống ổn định, hộ thu nhập thấp cũng được mấy chục triệu đồng/năm nên ai cũng phấn khởi. Mấy vụ gần đây giá cá bấp bênh nên bà con rất khó khăn. Mong các ngành, các cấp có giải pháp giúp bà con duy trì nghề, chứ bỏ nó thì sắp tới người dân không biết làm gì ngoài làm ruộng.
Do bị thua lỗ liên tiếp mấy năm liền nên hiện tại nhiều hộ đã treo đầm hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác. Ông Đoàn Văn Duẩn ở Ấp 1, xã Trần Hợi, cho biết: "Mấy vụ vừa qua, giá cá bổi thấp quá nên hầu hết các hộ nuôi cá đều bị lỗ, hộ lỗ ít thì vài chục triệu, hộ lỗ nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng. Năm nay diện tích nuôi cá bổi giảm khoảng 70%".
Hội thảo cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi cá bổi thâm canh tại Ấp 1, xã Trần Hợi.
Trong khi giá cá bổi giảm mạnh thì giá thức ăn và các khoản chi phí khác lại không giảm nên nhiều hộ phải bỏ nghề. Ông Phạm Văn Dũng ở Ấp 2, xã Trần Hợi, ngán ngẩm: "Mấy vụ nuôi vừa qua tôi đều bị lỗ nên không còn vốn. Năm nay tôi duy trì bằng cách thả lan ra ruộng, đến tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch, khi bơm nước chuẩn bị xuống giống lúa vụ 2 tôi sẽ gom cá vào ao, tiếp tục chăm sóc đến Tết sẽ xuất bán. Nuôi theo kiểu này mặc dù năng suất thấp, nhưng đỡ chi phí đầu tư, không bị lỗ".
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện , năm 2018, diện tích nuôi cá bổi của huyện chỉ còn 74 ha, giảm hơn 140 ha so với năm trước.
Nhằm giúp người dân duy trì mô hình nuôi cá bổi, năm 2018, Phòng NN&PTNT huyện thực hiện Dự án cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nuôi cá bổi thâm canh. Dự án có tổng nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng, có 15 hộ dân ở các xã: Trần Hợi, Khánh Bình và Khánh Lộc tham gia. Những hộ tham gia dự án được hỗ trợ 30% tiền con giống, thức ăn và 20% tiền thuốc, hoá chất xử lý ao đầm. Ngoài ra, Phòng NN&PTNT huyện tổ chức các cuộc hội thảo về quy trình cải tạo ao đầm, chăm sóc con giống và nuôi cá bổi thương phẩm; trao đổi kinh nghiệm về quá trình nuôi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc cá đảm bảo cho việc sản xuất cá khô bổi đạt chất lượng cao.
Hướng tới, các ngành liên quan và nông dân sẽ xúc tiến việc thành lập các hợp tác xã nuôi cá bổi nhằm tăng chuỗi giá trị sản xuất, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều người quan tâm là đến mùa thu hoạch, cá bổi từ các tỉnh vùng trên đổ về với số lượng lớn, giá cả lại rẻ hơn làm cho sản phẩm của bà con không đủ sức cạnh tranh.
Nếu thời gian tới giá cá bổi không được cải thiện thì vụ mùa năm nay nhiều người tiếp tục gặp khó khăn, tình trạng thua lỗ còn tiếp tục diễn ra.