Điều này có thể sẽ giúp nâng cao giá cá ngừ, tăng thêm thu nhập cho ngư dân ở tỉnh này.
Đây là kết quả chuyến đi xúc tiến thương mại của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định hồi tháng 6/2013 tại 4 thành phố lớn của Nhật Bản gồm Tokyo, Osaka, Sakai và Kyoto.
Chuyến đi trên nhằm kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, nhất là cá ngừ đại dương, ở trên địa bàn tỉnh này.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, Hội Hữu nghị Nhật-Việt tại Osaka vừa đề nghị tỉnh đưa 10 ngư dân sang Nhật Bản để hỗ trợ tập huấn cách bảo quản cá ngừ đại dương sau đánh bắt nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cho loài thủy sản này.
Theo dự kiến, trong tuần này, đại diện Hội Hữu nghị Nhật-Việt sẽ đến Bình Định khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp giúp ngư dân mở rộng thị trường xuất khẩu tôm, cá và nhất là cá ngừ đại dương sang Nhật Bản nhằm nâng cao thu nhập.
Hiện tại, cá ngừ của Bình Định đang được bán ra với giá 50.000-55.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Bình Định, nguyên nhân giá cá ngừ giảm mạnh là do nhiều ngư dân chuyển nghề đánh bắt từ câu giàn sang câu đèn cao áp nên chất lượng cá giảm. Việc tiêu thụ cá ngừ đại dương ở địa phương phần lớn phải qua trung gian nên nhiều thương lái tìm cách ép cấp, ép giá, làm cho giá cá càng thêm hạ.